Ít nhất 5 tỷ phú USD đã rút tài sản ra khỏi Trung Quốc, trong khi khoảng 30% triệu phú muốn rời nước này.
Các tỷ phú hàng đầu tại Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
Theo CNBC, khảo sát của viện Nghiên cứu Hurun (Thượng Hải) cho thấy hơn 30% doanh nhân giàu có tại Trung Quốc muốn “tháo chạy” khỏi quê hương để định cư tại nước ngoài. Cuộc khảo sát được thực hiện với 224 đại gia Trung Quốc, sở hữu tài sản trung bình 4,5 triệu USD.
Đa số cho biết muốn ra nước ngoài để đảm bảo chất lượng giáo dục cho con em, đồng thời muốn thoát khỏi bầu không khí ô nhiễm ở các thành phố Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng muốn bảo vệ khối tài sản khổng lồ của mình.
Mỹ vẫn là địa điểm di cư ưa thích của nhà giàu Trung Quốc, xếp sau là Anh, Ireland và Canada. Với các đại gia Trung Quốc, hệ thống giáo dục phát triển, bầu không khí trong lành, thực phẩm sạch là những ưu điểm vượt trội của nước Mỹ so với quê hương. Chính sách giảm thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng thu hút nhà đầu tư Trung Quốc.
Mua bất động sản ở Mỹ, Anh hay Canada là cách nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng để chuyển tài sản ra nước ngoài. Báo cáo của viện Nghiên cứu Hurun cho biết các đại gia Trung Quốc chi trung bình 800.000 USD để mua mỗi ngôi nhà ở nước ngoài.
Los Angeles (bang California, Mỹ) là thành phố các đại gia Trung Quốc đổ rất nhiều tiền vào bất động sản. Đứng sau là New York, Boston và San Francisco, đều tại Mỹ. Đây là năm thứ tư liên tiếp Los Angeles đứng đầu danh sách này.
Theo South China Morning Post, việc 30% nhà giàu Trung Quốc muốn rời quê hương đồng nghĩa với việc rất nhiều tiền chảy khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2019, Trung Quốc có 658 tỷ phú USD, nhiều hơn Mỹ.
bất chấp thương chiến, số tỷ phú ở Trung Quốc vẫn tăng. Báo cáo tháng 2 của Hurun chỉ ra rằng Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan) có thêm 182 tỷ phú trong một năm qua. SCMP ghi nhận có 5 tỷ phú USD người Trung Quốc đã chuyển phần lớn tài sản ra nước ngoài.
Đầu tiên, phải kể đến tỷ phú Zhang Yong, người sáng lập chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao. Ông trở thành công dân Singapore hồi năm ngoái và lập tức chiếm vị trí dẫn đầu danh sách 50 người giàu nhất đảo quốc sư tử, theo Forbes Asia.
Đã từng có thời điểm tổng tài sản của ông Zhang tăng lên đến 16 tỷ USD. Do ảnh hưởng của dịch Coѵīd-19, giá cổ phiếu Haidilao giảm mạnh, đẩy tổng tài sản “tỷ phú lẩu” xuống 14,5 tỷ USD.
Khu phố người Hoa tại Los Angeles (Mỹ). Ảnh: Pinterest.
Tỷ phú Huang Xiangmo, CEO hãng bất động sản Yuhu Group, chuyển tới sinh sống ở Australia từ năm 2011. Dù vậy, cuộc sống của ông Huang tại đây khá sóng gió. Tháng 9/2019, chính phủ Australia đóng băng tài sản của ông do nợ thuế 84 triệu USD.
Cùng thời điểm đó, ông Huang mua một căn nhà ở Hong Kong với giá 67 triệu USD. Sau đó, nhà chức trách Australia chặn đơn xin nhập tịch của ông Huang vì quan ngại can thiệp chính trị và trốn thuế. Ước tính ông Huang sở hữu hơn 1 tỷ USD.
Người thứ ba trong nhóm năm đại gia “tháo chạy” này là Chen Mailin, từng là một nông dân chăn vịt. Ông gây xôn xao dư luận khi mua một biệt thự với giá 40 triệu USD ở Vancouver hồi năm 2015. Đó là căn nhà đắt nhất trong lịch sử thị trường bất động sản Canada.
Trong khi đó, nữ tỷ phú Zhang Yin, Chủ tịch Nine Dragons Paper Holdings, chuyển đến sinh sống tại Mỹ. Bà kiếm bộn tiền từ việc xuất khẩu rác thải từ giấy sang Trung Quốc và xử lý tại đó. “Nữ hoàng rác thải” Trung Quốc hiện sở hữu khối tài sản 1,4 tỷ USD.
Cuối cùng là Cheung Chungkiu, người sáng lập hãng bất động sản Yugang International. Quê ở Trùng Khánh, ông Cheung kinh doanh tại Hong Kong và hồi tháng 1 mua một dinh thự ở London (Anh) với giá 258 triệu USD. Đây là căn nhà đắt nhất tại Anh. Ngoài ra, ông sở hữu một tòa cao ốc giá 1,46 tỷ USD ở thủ đô Anh.