Một số đại biểu Quốc hội cho rằng người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi, không thể bắt người dân ăn thịt gà thay cho thịt lợn, giá thịt tăng cao do kiểm soát giá thị trường không tốt…
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ)
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) tại hội trường nêu vấn đề: Việc kiểm soát giá cả là cấp bách để đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, hiến định nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chúng ta đang thực hiện như thế.
“Điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng bàn tay vô hình của nhà nước” – ông Hàm nói và cho biết những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông.
Theo đại biểu đoàn Phú Thọ, cần có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách: “Không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi”.
Ông Hàm cho rằng, nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu. Nếu cần thiết, kinh tế nhà nước phải tham gia. Nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp, cần thiết thì cân nhắc cả đến việc nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường.
Nêu quan điểm về giá thịt lợn, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cũng dẫn lại nghịch cảnh “muốn mua thịt lợn giá rẻ thì lên tivi”. Ông Lợi cho rằng, vấn đề ở đây chủ yếu là do tuyên truyền chưa tốt.
“Giá thịt cao chủ yếu ở các chợ nhỏ lẻ, còn tại các đầu mối, chợ lớn thì giá vẫn ổn định” – ông Lợi đánh giá và cho rằng cần thời gian để tái đàn và khi cung – cầu ổn định thì giá thịt sẽ giảm.
Vì sao giá thịt lợn tăng cao? giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thông tin: dịch tả châu Phi rất nguy hiểm xảy ra trên toàn thế giới. Tại Trung Quốc, dịch tả lợn gây sụt giảm 53% và xảy ra khủng hoảng về rất lớn về thực phẩm, nước này đã phải nhập khẩu 1 triệu tấn thịt lợn. Ở Việt Nam, 6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy do dịch.
“Do cung-cầu không cân bằng nên giá thịt lợn tăng cao” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho biết tới cuối năm nay đàn lợn mới sẽ đạt 31 triệu con, số lượng này được tính toán sẽ cập với số lượng lợn trước dịch.
“Khi nào thì giá thịt lợn giảm?” Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.
Trả lời trước Quốc hội câu hỏi nói trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay: “Để giảm giá thịt lợn có 3 giải pháp, đó là tái đàn thật nhanh, lựa chọn các loại thực phẩm khác và kiểm soát thị trường. Cung – cầu càng gặp nhau sớm thì giá càng nhanh giảm”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội về giá thịt lợn (ảnh: TTXVN)
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nêu quan điểm không có lí do gì chỉ tập trung vào ăn thịt lợn. Trong bối cảnh hiện nay, người dân nên lựa chọn nhiều loại thực phẩm khác, “rổ” thực phẩm của Việt Nam có rất nhiều lựa chọn, vừa bổ dưỡng, vừa tăng cường sức khỏe và không gây áp lực lên thịt lợn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn XuânCường, việc tái đàn lợn đang được triển khai, tuy nhiên việc tái đàn cũng cần phải có thời gian để lợn thịt có thể bán ra thị trường. Trong khi đó, quá trình tái đàn lợn các hộ nhỏ lẻ gặp khó khăn về giá con giống rất cao. Nhiều nơi đang hỗ trợ con giống cho người dân, như Hà Nội hỗ trợ 4 triệu đồng/con giống, Nghệ An hỗ trợ 2 triệu đồng/con…
Tuy nhiên, tại hội trường, một số đại biểu không đồng tình với lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về các giải pháp liên quan đến giá thịt lợn. Không thể bắt người dân ăn thịt gà thay cho thịt lợn. Trong khi đó, trong chăn nuôi người dân lãi rất ít, còn giá thịt bán ra lại tăng rất cao. Đây là bất cập cần phải xem xét và sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.