HomeThương trườngVì sao cổ phiếu Sacombank dậy sóng?

Vì sao cổ phiếu Sacombank dậy sóng?

Tổng giám đốc Sacombank cho rằng STB bật mạnh nhờ ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, cộng thêm xu hướng thị trường nghiêng về cổ phiếu ngành này.

Cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) vừa có chuỗi thăng hoa với 4 phiên tăng liên tiếp, đẩy thị giá từ vùng 11.450 đồng lên 12.650 đồng. Đây là mức đỉnh trong vòng một năm và tăng đến 73% so với vùng đáy cuối tháng 3 – thời điểm thị trường chịu áp lực bán tháo do nhà đầu tư lo ngại lệnh giãn cách xã hội khiến hoạt động kinh doanh bị tác động mạnh.

Không chỉ nhảy vọt về thị giá, thanh khoản của STB cũng đột biến. Tổng khối lượng được sang tay bằng phương thức khớp lệnh 4 phiên gần đây lên đến 97 triệu cổ phiếu, trong đó ngày 22/9 ghi nhận mức kỷ lục trên 45 triệu cổ phiếu đổi chủ.

Xu hướng đi lên của STB được giới quan sát dự đoán bắt nguồn từ việc KienLongBank, Eximbank muốn bán lượng lớn cổ phiếu để thu hồi nợ xấu trong khi Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) mua vào.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress chiều 23/9, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, thông tin việc tăng giá để tạo bước đệm thoái vốn là không có cơ sở.

Bà Diễm lý giải, đối với các khoản nợ có vấn đề, ai cũng mong muốn xử lý trọn vẹn, đáp ứng mong đợi của các bên liên quan và giúp ngân hàng mình mạnh lên. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào sự chấp thuận chủ trương và phương án thanh lý thông qua đấu giá công khai của Ngân hàng Nhà nước, cũng như chính ngân hàng đó phải tìm được nhà đầu tư phù hợp.

“Việc thanh lý cổ phiếu lô lớn thường thực hiện qua phương pháp thỏa thuận ngoài sàn với giá vượt biên độ quy định. KienLongBank cũng đã 2 lần bán đấu giá gần 176,4 triệu cổ phiếu STB nhưng chưa thành công”, bà Diễm nói.

Trong báo cáo mới công bố, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, STB đang có 3 yếu tố hỗ trợ đà tăng.

Đầu tiên là Sacombank có thể thu hút sự quan tâm của các tổ chức tham gia với vai trò đối tác chiến lược hoặc nắm quyền điều hành. Cơ cấu cổ đông hiện tại của ngân hàng khá loãng khi không nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nào nắm giữ trên 5%. Theo báo cáo thường niên năm ngoái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dương Công Minh và những người liên quan chỉ nắm khoảng 3,47%, trong khi khối ngoại cũng không vượt quá 10%.

Hai yếu tố còn lại là ngân hàng có thể tăng thu nhập bất thường từ thanh lý tài sản và chất lượng tài sản được cải thiện để hấp dẫn nhà đầu tư, tạo thành nhân tố hỗ trợ cho các yếu tố giả định khác.

Nhóm phân tích của Mirae Asset Việt Nam cho rằng, giá trị hợp lý của STB là 14.550 đồng, tức cao hơn giá mở cửa phiên giao dịch sáng nay 15%. Mức giá này tương đương P/B dự phóng 0,9 lần và cao hơn trung bình 5 năm.

Biểu đồ giá cổ phiếu Sacombank trong vòng một năm. Ảnh: Tradingview.com.

Biểu đồ giá cổ phiếu Sacombank trong vòng một năm. Ảnh: Tradingview.com.

Trong khi đó, theo bà Diễm, cổ phiếu STB được chuyển nhượng và tăng mạnh phản ánh xu hướng thị trường nghiêng về cổ phiếu ngân hàng vì đây là nhóm ngành vẫn duy trì hoạt động ổn định nhờ chính sách điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, khẩu vị của nhà đầu tư là yếu tố tiên quyết bởi “có người quyết định không nắm giữ nhưng cũng có người nhìn thấy Sacombank đang chuyển biến tích cực và là cơ hội lớn để sinh lời trong tương lai”.

Bà Diễm nhận định, giá trị cổ phiếu STB chưa phản ánh đầy đủ giá trị từ chiến lược và mô hình kinh doanh Sacombank đang theo đuổi. Điều này trước mắt thể hiện qua các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu đến hết quý III đều tăng trưởng tốt như lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.400 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch năm. Huy động tăng khoảng 7%, cho vay tăng 9% và tỷ lệ nợ xấu 2%. Tổng doanh số thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng đạt trên 11.000 tỷ đồng và trích lập, phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng các tồn đọng tài chính.

“Nhà đầu tư có quyền kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực về giá cổ phiếu STB trong thời gian tới”, bà Diễm nói.

Với góc nhìn thận trọng hơn, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) trong báo cáo tuần trước khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở vị thế mới ở vùng 11.600 đồng và chốt lãi khi STB tiệm cận 13.000 đồng như hiện nay. Các chỉ báo đều ủng hộ nhịp tăng giá của cổ phiếu sau thời gian dài tích lũy quanh vùng 11.000 đồng, nhưng nếu để mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn này thì có thể cắt lỗ.

Phương Đông

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img