Vàng phá mốc kỷ lục 59 triệu nhưng lượng giao dịch giảm 30%
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh giá vàng thế giới và nội địa cùng “dắt tay” tăng giá và liên tiếp phá mức kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát đi thông cáo cho biết doanh số giao dịch vàng vẫn giảm so với cùng kỳ.
Vàng thế giới phá ‘đỉnh’, vàng nội địa rục rịch đi theo
Theo NHNN, mặc dù giá tăng cao kỷ lục nhưng lượng mua bán vàng lại giảm 30% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa: Thành Hoa. |
Thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong cuối giờ chiều ngày 5-8 cho biết, mặc dù giá vàng thế giới phá ngưỡng kỷ lục hơn 2.000 đô la/oz và vàng nội địa tăng giá lên mức kỷ lục 59 triệu đồng/lượng, mức độ giao dịch trên thị trường lại không có đột biến, trái với xu hướng trước đây là người dân thường đổ xô đi mua vàng khi giá tăng.
“Tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái”, đại diện NHNN cho biết.
Theo NHNN, mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Ngoài ra, giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác vàng miếng SJC duy trì ở mức thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường”, NHNN cũng đưa ra cam kết sẽ bình ổn thị trường.
Thông điệp mà NHNN đưa ra trong bối cảnh giá vàng giao ngay trên thế giới tiếp tục phá kỷ lục từ phiên giao dịch trong đêm ngày 4-8 đến chiều ngày 5-8 mới đây. Theo đó, giá vàng giao ngay theo số liệu Bloomberg ghi nhận mức 2.041,58 đô la mỗi oz, tăng gần 1,2% kể từ lúc mở cửa giao dịch.
Ở thị trường trong nước, giá cuối ngày cũng không quá chênh so với đầu ngày, vốn đã tăng cao theo phiên giao dịch quốc tế đêm qua.
Cụ thể, đến cuối giờ chiều phiên giao dịch ngày 5-8, giá vàng niêm yết ở SJC chiều bán ra là 59,1 triệu đồng/lượng, chiều mua vào là 57,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Eximbank thì niêm yết biểu giá 58,85 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, chiều mua vào là 58,15 triệu đồng/lượng. Còn Doji niêm yết giá 58,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Một điểm đáng chú ý là trong chiều nay khoảng chênh lệch hai chiều mua bán ghi nhận đã thu hẹp đáng kể.
Theo NHNN, vàng tăng giá vì nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động hiện nay. Đặc biệt là gần đây, Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, đặc biệt là tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hoà về gói cứu trợ trị giá 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Ngoài ra, kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%, hay căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
Theo Kitco News, giới phân tích kỹ thuật cho rằng xu hướng tăng có thể giúp giá vàng lên mức 2.200 đô la/oz trước khi điều chỉnh trở lại. Theo TD Securities, động lực đẩy giá vàng bao gồm lợi suất trái phiếu 10 năm và kỳ hạn 30 năm tiếp tục duy trì mức thấp kỷ lục.