Mới đây, do đội ngũ nhân sự phát triển mạnh, TikTok Việt Nam quyết định chuyển từ mô hình văn phòng truyền thống trong một tòa nhà hạng A ở quận 1, TP HCM sang văn phòng chia sẻ ở tòa nhà hạng A khác cùng quận.
Cũng với nhiều lý do khác nhau, một số công ty và tổ chức nước ngoài đến Việt Nam gần đây cũng chọn hoạt động trong các văn phòng chia sẻ, như Tencent’s WeTV Vietnam, Snow, ProChile (Ủy ban thương mại của Bộ Ngoại giao Chile) hay Decision Lab.
Trong dự báo được đưa ra cuối năm 2019, Officespace, một đơn vị cho thuê văn phòng tại Hà Nội cho rằng, thị trường văn phòng chia sẻ sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2020. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy dự báo này là đúng.
Nghiên cứu vừa thực hiện trong mùa dịch của IDC cho biết, có tới 80% doanh nghiệp tại Việt Nam lên kế hoạch sử dụng không gian làm việc chia sẻ trong vòng từ 1 đến 3 năm tới, cao hơn mức trung bình của khu vực.
Cùng với đó, 86% người được khảo sát tại Việt Nam phản hồi “cực kỳ hoặc rất” coi trọng lợi ích của không gian làm việc chia sẻ đối với việc mở rộng kinh doanh của họ. WeWork Việt Nam cho hay, kể từ đầu năm nay, lượng thành viên doanh nghiệp của họ tăng 13%.
Văn phòng chia sẻ được nhiều bên dự báo là sẽ “sống sót” qua mùa dịch và vẫn có triển vọng dài hạn ở Việt Nam bởi 3 yếu tố.
3 yếu tố duy trì và phát triển văn phòng chia sẻ mùa Covid-19
Đầu tiên là sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp này chính là khách hàng phổ biến trong ngành văn phòng chia sẻ. “Sự phát triển của không gian làm việc chia sẻ tại Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với sự bùng nổ thế hệ doanh nhân trẻ, các nhà khởi nghiệp, và các cộng đồng đổi mới trong nước”, bà Nga Nguyễn, Trưởng phòng nhân sự của Amanotes Việt Nam, đánh giá. Amanotes là một startup về game di động đang dùng văn phòng chia sẻ.
Thứ hai là nhu cầu thu hút và giữ chân nhân tài trẻ, những người thích các không gian làm việc trẻ trung, hiện đại, và có tính kết nối cao. IDC báo cáo rằng, 93% doanh nghiệp được khảo sát tại Đông Nam Á nhận thấy sự cần thiết phải điều chỉnh không gian làm việc phù hợp với kỳ vọng của thế hệ trẻ. Văn hóa làm việc sôi nổi của thế hệ trẻ tại Việt Nam góp phần tạo nên kết quả này.
Thứ ba, chính Covid-19 cũng là yếu tố khiến một số doanh nghiệp cân nhắc từ bỏ thuê văn phòng truyền thống dài hạn sang thuê văn phòng chia sẻ để tiết kiệm chi phí cũng như linh động thời gian thuê.
“Covid-19 đã khiến các công ty ưu tiên cân nhắc lựa chọn các không gian làm việc chia sẻ trong danh mục bất động sản”, Ray Tan, Trưởng Bộ phận Tăng trưởng của WeWork tại khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc cho biết.
Coworking Resources cho hay, các không gian làm việc chia sẻ tại Việt Nam chứng kiến quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ khi cứ 47,5 ngày là có một địa điểm mới mở. Officespace ước tính, thị trường Việt Nam có tới hàng trăm đơn vị cung cấp dịch vụ văn phòng chia sẻ với nhiều mức giá và tiện ích đi kèm khác nhau.
Nguồn Vnexpress
Xem thêm: Kiểm chứng ý tưởng khởi nghiệp của bạn có khả thi qua 8 cách