Đơn tháng 6 vẫn chưa được “kích hoạt”
Giám đốc một
doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, dù nhiều quốc gia đã bỏ lệnh phong tỏa, các công ty, nhà hàng đã hoạt động trở lại nhưng tiêu thụ rất thấp. Trong nước không mua hàng đã đành, đối tác nước ngoài đến tìm hiểu, hỏi thông tin về lượng hàng, giá cả… rồi cũng đi luôn. Gần hết tháng 5, lượng đơn hàng chốt chưa bằng 50% so với tháng 4. Đối tác mua hàng ở nước ngoài có tâm lý chờ giá giảm hơn nữa. Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường nên tác động lên giá tôm xuất khẩu tăng giảm rất khó tính toán. Điều này khiến các đối tác rút ngắn thời gian đặt hàng hoặc chia nhỏ số lượng đặt hàng để giảm rủi ro.
Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, DN gỗ đang phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10 – 20 USD/m3 do thiếu công nhân khai thác, thiếu container rỗng và giá cước tàu tăng từ 500 – 1.000 USD/container. Đặc biệt, giá sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.
DN sản xuất tìm đường quay về thị trường nội địa để “trú ẩn” lúc này là biện pháp tình thế tốt nhất có thể
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC
|
“Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu nên DN gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 – 2021. Do vậy, nhiều nhà máy tiềm ẩn nguy cơ đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp…”, đại diện hiệp hội cho biết.
Tương tự, xuất khẩu dệt may và da giày cũng rớt thê thảm. Bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex, thông tin đơn hàng tháng 6 chưa thấy đâu do đối tác ở châu Âu đang tạm ngưng và chưa “kích hoạt” trở lại dù một số nước đã mở cửa kinh tế trở lại. Theo tính toán của Bộ Công thương, số lượng đơn hàng trong tháng 4 và tháng 5 của dệt may và da giày bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm. Dự báo, nếu dịch bệnh không được đẩy lùi hết quý 2 mà kéo dài đến quý 3 năm nay thì nhập khẩu hàng dệt may
thế giới sẽ xuống đến ngưỡng 600 – 680 tỉ USD, giảm từ 15 – 25% so với mức 780 tỉ USD của năm 2019. Hiệp hội Dệt may VN đặt giả thiết nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5, và
kinh tế phục hồi từ tháng 6 thì ước tính ngành dệt may thiệt hại 11.000 tỉ đồng.
Không chỉ với xuất khẩu, các công ty trong nước cũng có kết quả kinh doanh không mấy lạc quan. Công ty CP đầu tư
Thế Giới Di Động là một trong những DN bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam cho biết tổng doanh thu của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh giảm gần 30% trong tháng 4 do phải tạm đóng cửa gần 30% số cửa hàng. Cũng trong tháng 4, doanh thu thuần của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – đơn vị bán lẻ trang sức hàng đầu Việt Nam, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019. Tính sau thuế, công ty bị lỗ 89 tỉ đồng, cũng do phải tạm đóng nhiều cửa hàng để phòng chống dịch…
Trú ẩn ở thị trường nội địa
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC (phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương), phân tích khi tuyên bố đóng cửa,
giãn cách xã hội, mọi lo lắng của cả nước đều tập trung về dịch bệnh và sức khỏe. Mà thực tế, tại thời điểm đó, cá nhân vẫn còn nhiều tiền tiết kiệm, đơn hàng của các DN đang làm dang dở vẫn còn, tài chính tích lũy trước đó vẫn còn “rủng rỉnh” nên có tạm ngưng sản xuất, vẫn chưa thấy khủng hoảng. Thế nhưng, sau khi mở cửa hoạt động trở lại, căng thẳng mới bắt đầu. Lý do, Việt Nam đóng cửa trước các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Vì giãn cách xã hội nên DN Việt buộc phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất xen kẽ, khi Việt Nam mở cửa trở lại, nhiều thị trường ở châu Âu và Bắc Mỹ bắt đầu đồng loạt đóng cửa. Như vậy, DN xuất khẩu Việt lại tiếp tục đóng cửa theo vì không có việc để làm. Tính ra, Việt Nam đóng cửa kinh tế dài ngày hơn DN châu Âu.
Dù vậy, theo ông Robert Trần, đây là thời điểm đóng cửa, dọn dẹp bớt các cửa hàng không hiệu quả mà… không bị mang tiếng là thu hẹp
kinh doanh. DN nên coi đây là cơ hội để cắt bớt lỗ tốt nhất. Với DN xuất khẩu, chỉ có cách duy nhất quay về sân nhà, đẩy mạnh thị trường nội địa. “Tôi thấy tiêu thụ nội địa tại Việt Nam cũng còn tốt hơn nhiều nước. Thấm đòn lúc này là đối với DN lớn, DN du lịch, sản xuất xuất khẩu chứ DN nhỏ chưa phải thấm đòn, vì sản xuất của khối DN này chỉ phục vụ thị trường nội địa là chính. Nay thị trường đã mở cửa hoạt động trở lại, mọi cái vẫn có thể “cựa quậy” được. Với xuất khẩu, suy thoái bắt đầu diễn ra.
Các nước phát triển hiện đặt ưu tiên hàng đầu là chống dịch, những chi tiêu gì có thể cắt giảm hoặc không cần thiết là không mua sắm. Người dân châu Âu, Mỹ và Canada hiện đang có tâm lý không sẵn sàng chi tiền cho quần áo. Việc họ đang lo lắng là ngân hàng có thể lấy nhà, xe của họ bất kỳ lúc nào vì đang nghỉ việc ở nhà, nhận tiền trợ cấp và các tài sản trên đều được mua bằng hình thức trả góp. Thế nên, DN sản xuất tìm đường quay về thị trường nội địa để “trú ẩn” lúc này là biện pháp tình thế tốt nhất có thể”, ông Robert Trần nói thêm.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, gợi ý: Việc gia tăng tốc độ thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (
EVFTA) là giải pháp cho DN giảm đòn trong lúc này. Nhiều thị trường mới sẽ được mở ra qua kênh tham tán thương mại Việt Nam tại các nước sau khi EVFTA được Quốc hội thông qua.