HomeStartupỨng dụng giao đồ ăn Hàn Quốc hoạt động tại Hà Nội

Ứng dụng giao đồ ăn Hàn Quốc hoạt động tại Hà Nội

Baemin – ứng dụng giao thức ăn hàng đầu Hàn Quốc, trực thuộc Woowa Brothers trở thành cái tên mới tham gia vào cuộc chiến “miếng bánh” giao đồ ăn tại Hà Nội những ngày qua. Nền tảng này có hơn một năm thâm nhập và khai phá thị trường khu vực phía Nam, cụ thể là TP HCM nhưng hoạt động không mạnh. Việc chuyển hướng ra Hà Nội được cho là bước đi tiếp theo trong chiến lược chinh phục thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trang phục nhận diện nổi bật của tài xế Baemin. Ảnh: Baemin.

Trang phục nhận diện nổi bật của tài xế Baemin. Ảnh: Baemin.

Để lôi kéo khách hàng và lái xe, Baemin liên tục tung ra những ưu đãi khác biệt như giảm 70.000 đồng cho đơn hàng từ 70.000 đồng trở lên; giảm 25%, 50% tùy theo số lần đặt hàng. Khách đặt đồ ăn qua ứng dụng Baemin tại Hà Nội đều hưởng ưu đãi lớn. Phí giao hàng hiện tại cố định 15.000 đồng, chỉ bằng 50% hầu hết các nền tảng khác. 

Nếu muốn tăng trưởng thị phần, Baemin sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ lâu năm như: GrabFood, Loship, Now hay Go-Food. Những nền tảng này đều được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư nước ngoài, duy nhất Loship là startup nội địa.

Một số chuyên gia nhận định cách tiếp cận thị trường của Baemin khá truyền thống, khi đổ tiền vào khuyến mại và truyền thông quảng cáo. Những ứng dụng giao đồ ăn hoặc giao hàng vào Việt Nam theo cách này từng phải rút lui sau một thời gian ngắn. 

Tại Hàn Quốc, Baemin là startup kỳ lần, tiền thân của ứng dụng Baedal Minjok, ra mắt vào năm 2010. Sau một thời gian, các đơn đặt đồ ăn hàng tháng của ứng dụng đã tăng từ khoảng 5 triệu năm 2015 lên hơn 20 triệu vào giữa năm 2018.

Đầu năm 2020, Delivery Hero (Đức) chi 4 tỷ USD mua lại Woowa Brothers của Hàn Quốc. Tương tự các công ty đa quốc gia như Grab, hay Go-Jek, Baemin sở hữu tiềm lực tài chính dồi dào. Cách mà kỳ lân Hàn Quốc tiến vào các thị trường mới là không ngừng chương trình khuyến mãi hấp dẫn, sáng tạo cho các đối tác.

Theo báo cáo của Euromonitor, trong năm nay thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 11% một năm. Tuy nhỏ so với mảng F&B nói chung nhưng bù lại, Việt Nam thu hút các doanh nghiệp theo đuổi bởi tính trung thành của loại hình dịch vụ này khá cao.

Khảo sát của GCOMM cũng cho thấy tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện khá cao, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần mỗi tháng.

Thành Dương 

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img