HomeTài chính - Ngân hàngTỷ giá leo thang, nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an...

Tỷ giá leo thang, nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn giữa tâm dịch

Tỷ giá leo thang, nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn giữa tâm dịch

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) -Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lập đỉnh mới lên 23.206 đồng/đô la trong ngày 4-2, tăng thêm 36 đồng/đô la so với thời điểm trước Tết, làm tăng quan ngại tiền đồng đang chịu nhiều áp lực từ các diễn biến thế giới, trong đó có đại dịch corona.

Tỷ giá bật tăng

Tỷ giá USD/VND bắt đầu xu hướng tăng sau một thời gian giữ ở mức khá ổn định trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Khởi động lại ở ngưỡng 23.185 đồng/đô la trong ngày đầu tiên đi làm (30-1), tỷ giá trung tâm đã tăng 15 đồng so với ngày 22-1, sau đó lã chuỗi tăng 11 đồng giữ trong 2 ngày giao dịch tiếp theo, 5 đồng trong hôm 3-2 và 4 đồng trong ngày 4-2.

Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN được niêm yết ở mức 23.175 đồng/đô la mua vào và 23.852 đồng/đô la bán ra.

Nhiều ngân hàng thương mại từ đầu tuần cũng điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng từ 20-30 đồng/đô la cả 2 chiều mua và bán, với giá bán cao nhất chạm mốc 23.343 đồng/đô la và giá mua thấp nhấp là 23.170 đồng/đô la.

Theo nhận xét của ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam, tỷ giá USD/VND sau một thời gian dài bình ổn đã chứng kiến những biến động mạnh ngay trong những ngày sau nghỉ lễ.

 

https://www.thesaigontimes.vn/
Nhà đầu tư có xu hướng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và tìm đến các tài sản có tính trú ẩn an toàn. Ảnh: tienphong

“Cặp tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng nếu như xuyên suốt tháng Giêng chỉ giao dịch quanh mức giá mua vào của NHNN – 23.175 thì đã có diễn biến tăng nhanh rời xa mức giá này, tiến gần đến mốc 23.260-23.280, tương đương mức tăng 100 đồng và là mức tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Về phía NHNN, tỷ giá trung tâm cũng liên tục được đặt ở ngưỡng cao mới, vượt qua mốc 23.200 và hiện ở mức cao nhất là 23.206 (ngày 4/2), tăng 0,24% từ mức thấp nhất năm 23.150 đồng”.

“Tuy nhiên, tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt khi cặp tỷ giá bắt đầu giảm dần trở lại về mức 23.230-23.240 trên thị trường liên ngân hàng trong bối cảnh cán cân cung-cầu ngoại tệ dần cân bằng trở lại, cũng như tâm lý thị trường dần ổn định. Với việc tỷ giá biến động tương đối mạnh theo cả hai chiều sau quãng thời gian dài đi ngang là diễn biến tương đối mới trong năm nay”, ông Khoa chia sẻ với TBKTSG Online.

Dịch bệnh và kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư

Theo vị giám đốc này, có hai lý do chính có thể giải thích cho xu hướng tăng của tỷ giá lần này. Thứ nhất, diễn biến chung trên thị trường tài chính thế giới tiếp tục biến động khó lường theo hướng tiêu cực. Với ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp do corona virus bùng phát, nhà đầu tư có xu hướng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và tìm đến các tài sản có tính trú ẩn an toàn. Thị trường chứng khoán thế giới nói chung và châu Á nói riêng, trong đó bao gồm Việt Nam, đều giảm điểm mạnh. Đồng Nhân dân tệ (CNY) vượt mốc 7.00 ngay sau kỳ nghỉ lễ kéo dài trong khi chỉ số USD index tăng 0,44% vào ngày thứ hai, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm.

Thứ hai, ngoài yếu tố thị trường, đà tăng của tỷ giá đến từ áp lực tâm lý quan ngại do những yếu tố vĩ mô không thuận lợi. Chỉ số lạm phát gần trong những tháng vừa qua, đặc biệt trong tháng Giêng tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2013. Chỉ số lạm phát cơ bản cũng tăng nhanh ở mức 3,25% so với cùng kỳ năm trước, so sánh với mức bình quân 2% của năm 2019 vừa qua.

“Trong khi đó, đại dịch viêm đường hô hấp do corona virus cũng đưa đến những lo ngại về việc sụt giảm doanh thu từ du lịch, thương mại và tiêu dùng. Sự sụt giảm doanh thu từ du lịch, vốn chiếm xấp xỉ 12% GDP 2019,  sẽ dẫn đến khả năng thâm hụt thương mại cho Việt Nam.  Sự bùng nổ của du lịch Việt Nam với mức tăng doanh thu hàng năm xấp xỉ 30% từ năm 2015, mà phần lớn có đóng góp từ khách hàng Trung Quốc (chiếm trên 30% tổng số lượng khách du lịch) có thể bị chững lại trong năm nay. Nguồn thu ngoại tệ qua đó cũng có thể bị ảnh hưởng”, ông Khoa nêu quan điểm.

Đối với tình huống Việt Nam phải nhập thêm nhiều nguyên liêu để sản xuất các mặt hàng chống dịch bệnh như khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn, ông Khoa cho rằng diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường, bao gồm cả các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như yếu tố cung-cầu ngoại tệ trong nước, dòng vốn đầu tư nước ngoài, biến động rổ tiền tệ trên thị trường thế giới.

“Nên việc phải nhập thêm nhiều nguyên liệu để sản xuất có thể tạo áp lực phần nào lên nhập khẩu của VN, tuy nhiên chưa phản ánh hết được cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam. Việc tỷ giá USD/VND có chiều hướng tiếp tục tăng còn dựa trên cơ sở các yếu tố kể trên”.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img