Nhiều trường bỏ buổi học chiều, tăng cường hoạt động trong lớp, thậm chí nghĩ tới giải pháp dạy trực tuyến để giúp thầy và trò hạn chế ra ngoài trong tiết trời 40 độ.
Sáng 10/6, loa phát thanh trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục phát lời nhắc nhở học sinh mang đồ bảo hộ, uống nhiều nước. Học sinh không phải tham gia hoạt động thể dục ngoài trời đầu giờ sáng. Sàn các lớp học được lau bằng khăn ướt vào sáng sớm để giảm nhiệt, hai điều hòa 18.000 BTU và bốn quạt trần ở mỗi lớp cùng hoạt động.
Ảnh hưởng của Covid-19, năm học kết thúc muộn một tháng rưỡi (trước 15/7) nên học sinh phải học vào những ngày nắng nóng 40 độ C. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lý cho biết trường phải áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để “giảm nhiệt”. Phòng học nào cũng được lắp đặt điều hòa và quạt trần nên các giờ học diễn ra bình thường. Tuy nhiên, vào giờ ra chơi, giáo viên phải nhắc nhở học sinh không ra ngoài trừ trường hợp đi vệ sinh hay đi rửa tay để tránh sốc nhiệt. Trường gửi tin nhắn tới phụ huynh nhắc mang ô, mũ, áo chống nắng, khẩu trang cho con.
Nhờ thực hiện nghiêm túc việc dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ phòng chống Covid-19, trường THCS Nguyễn Du đã học đến tuần 37 – tuần cuối cùng của năm học. Các lớp sẽ hoàn thành bài kiểm tra học kỳ Toán và Ngữ văn trong tuần này. Những tuần kế tiếp, trường THCS Nguyễn Du sẽ cho học sinh nghỉ buổi chiều. Các buổi học sáng được đẩy lên sớm nửa tiếng, bắt đầu lúc 7h và kết thúc lúc 10h30 để tránh nắng nóng.
“Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch nếu trời tiếp tục nóng 39-40 độ C, nhà trường sẽ cho học sinh học trực tuyến như thời gian nghỉ phòng dịch”, cô Lý nói.
Tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội), điều hòa 18.000 BTU, quạt trần, quạt cây cũng hoạt động hết công suất. Học sinh được khuyến khích chơi lego, xem hoạt hình trên máy chiếu trong lớp học và hạn chế ra ngoài vào giờ ra chơi. Hiệu trưởng Teo Thị Thanh Mai cho biết trường đã nâng lan can cao thêm một mét, lắp rèm che toàn bộ hành lang để tránh nắng và đảm bảo an toàn cho học sinh khi các em di chuyển, vui chơi ở khu vực này.
Để tránh việc ăn bán trú trên lớp, mùi thức ăn gây ngột ngạt, không phù hợp cho học sinh nghỉ trưa và học buổi chiều, trường bố trí một địa điểm ăn riêng, cách khu vực lớp học khoảng 30 m. Trên lối đi từ các phòng học xuống nhà ăn, trường lắp mái che nhằm giảm nắng nóng cho học sinh khi di chuyển. Hôm nay, trường gia cố lại những vị trí mái che bị hở do mưa, gió.
Cô Mai cho biết trường cũng đầu tư loa, mic kéo đến từng lớp. Những hoạt động tập thể như chào cờ, học hát đồng ca, học sinh không phải tập trung dưới sân trường mà có hiệu lệnh từ phòng phát thanh để các em cùng tập trong lớp. “Nhà trường cố gắng làm mọi việc trong khả năng để giúp học sinh có điều kiện học tập tốt nhất có thể, cha mẹ yên tâm đưa con đến trường”, cô Mai nói.
Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã thông báo tới phụ huynh từ ba tuần trước về việc không yêu cầu học sinh mặc đồng phục mà chỉ cần mặc trang phục lịch sự, thoáng mát. Trường cũng dừng hoạt động các câu lạc bộ ngoại khóa, lùi thời gian kết thúc buổi học từ 16h30 sang 17h hàng ngày để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Tại Hà Nam, một trường liên cấp tiểu học – THCS phải kêu gọi phụ huynh đóng góp lắp thêm quạt cho các con do trường không có điều kiện. “Trường có 18 lớp học, mỗi lớp được trang bị hai quạt trần và ba quạt treo tường nhưng đợt rồi nắng nóng đỉnh điểm, học sinh và giáo viên vẫn cảm thấy ngột ngạt. Nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh, những ngày qua, chúng tôi lắp thêm được bốn quạt cây đặt tại các góc lớp, giá mỗi chiếc 250 đến 300 nghìn đồng.
Ngoài mua thêm quạt, trường học này cũng quyết định thay đổi giờ học. Các em khối tiểu học vào lớp lúc 7h, sớm hơn 15 phút so với bình thường và ra về lúc 10h10. Học sinh THCS học từ 6h50 và tan lúc 11h15. Buổi chiều, cả hai cấp học được lùi giờ học 30 phút, xuống 14h30 và tan học lúc 17h. Các hoạt động ngoài trời như chào cờ, sinh hoạt tập thể dưới sân trường được hủy bỏ.
“Chúng tôi rất muốn cho học sinh nghỉ học chiều nhưng như vậy sẽ phải kéo dài thời điểm kết thúc năm học và các em sẽ phải học trong thời tiết khắc nghiệt lâu hơn. Do đó, trường vẫn đảm bảo tiến độ giảng dạy để kịp kết thúc năm học vào cuối tháng 6”, hiệu trưởng trường nói.
Tại Vĩnh Phúc, hôm qua Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo từ ngày 10/6, học sinh tiểu học các trường không có đủ điều hòa cho 100% lớp học sẽ được nghỉ học buổi chiều. Với cấp THCS và THPT, các trường chỉ tổ chức học chiều cho học sinh lớp 9 và 12.
Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc yêu cầu các trường dừng hoạt động tập thể ngoài trời, điều chỉnh kế hoạch giáo dục đảm bảo kết thúc năm học trước 15/7.
Với Nghệ An, dù đã quen với thời tiết nắng nóng, các trường học cũng phải áp dụng nhiều biện pháp dựa nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay hiện các trường thực hiện một số giải pháp chính.
Một là điều chỉnh thời gian học mỗi ngày sớm hơn một chút, từ 7h kém nhưng Sở lưu ý các trường phải thống nhất được với phụ huynh, thể dục được đẩy lên tiết đầu. Hai là việc dạy và học bổ trợ buổi chiều chỉ áp dụng với lớp 9 và 12 nhằm đảm bảo thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT. Lớp 10 và 11 học thêm theo nhu cầu nhưng phần lớn trường không tổ chức. Các khối còn lại được nghỉ chiều.
Ở các thành phố, thị trấn, phụ huynh học sinh tích cực hỗ trợ nhà trường đối phó với nắng nóng. Nhiều hội phụ huynh đề nghị lắp điều hòa và công tơ điện riêng theo lớp, chịu trả chi phí điện hàng tháng để con được mát mẻ, yên tâm học tập.
Những trường không có đầy đủ thiết bị chống nóng bố trí cho học 4 tiết mỗi ngày để có thời gian nghỉ ngơi. Có trường chuyển học sinh từ phòng học chật chội, nóng bức sang các phòng có phương tiện thiết bị hỗ trợ tốt hơn để bớt nóng.
“Học sinh Nghệ An mọi năm vẫn phải học trong tiết trời nắng nóng dù năm học kết thúc sớm hơn. Tuy nhiên, tôi chưa thấy năm nào oi bức và nắng gắt như bây giờ. Chúng tôi sẽ cố gắng kết thúc năm học sớm để đảm bảo sức khỏe cho học sinh”, ông Thành nói và thông tin thêm sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp để đến ngày 30/6 kết thúc năm học. Với khối THPT, do đã học được hơn 5 tuần trong thời gian phòng chống Covid-19, chương trình kết thúc vào 25/6.
Từ ngày 30/5, nắng nóng xuất hiện ở Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc, đến ngày 31/5 mở rộng ra toàn miền và dự báo kéo dài đến hết ngày 13/6. Nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35 trở lên, trong đó ngày 7-8/6 nóng nhất, nhiều trạm đo ở Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình ghi nhận 40 độ C.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đánh giá từ năm 1993 đến nay, đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất ở miền Bắc, trước chỉ ghi nhận đợt 5-7 ngày. Dự báo, trong tháng 6 nhiệt độ trên cả nước vẫn cao hơn 1-2 độ so với trung bình nhiều năm. Sang tháng 7, miền Bắc còn xảy ra nắng nóng nhưng dịu hơn vì bắt đầu mưa nhiều.