Trong một báo cáo mới, công ty nghiên cứu thị trường IC Insights của Mỹ cho biết nhu cầu về các mạch tích hợp (IC) ở Trung Quốc hiện tăng rất nhanh, nhưng hoạt động sản xuất chip ở nước này vẫn đang vật lộn, loay hoay để theo kịp nhu cầu. Trung Quốc đặt ra mục tiêu đạt tới 70% khả năng tự sản xuất chất bán dẫn vào năm 2025, nhưng với năng suất hiện tại, khả năng có được chỉ là một phần ba con số đó.
IC Insights lưu ý rằng, khả năng sản xuất IC ở Trung Quốc, bao gồm cả sản lượng của các công ty trong nước và nước ngoài, chỉ chiếm 15,7% thị trường chip giá trị 125 tỉ USD của nước này vào năm 2019, tăng nhẹ so với mức 15,4% được báo cáo năm 2014. Và cho dù đạt tới 20,7% theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Mỹ, thì con số đó vẫn cách rất xa so với mục tiêu tự túc 70%.
Con đường phía trước dường như sẽ gập ghềnh hơn nếu các công ty nước ngoài có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm Intel, SK Hynix và TSMC, không được tính vào. Riêng trong năm ngoái, các công ty có trụ sở tại Trung Quốc chỉ chiếm 6,1% tổng thị trường IC của nước này, bao gồm cả hàng nhập khẩu. Tháng trước, công ty chip GlobalFoundries của Mỹ xác nhận đã ngừng hoạt động tại nhà máy chip ở Thành Đô, một sự thất bại đáng kể vì đó là một trong những dự án bán dẫn đầu tư nước ngoài lớn của Trung Quốc.
Nhu cầu ngày càng tăng về IC đã trở thành thách thức lớn của Trung Quốc trước mục tiêu tự túc. Căn cứ theo ước tính từ IC Insights, thị trường IC của Trung Quốc sẽ tăng lên mức 208 tỉ USD vào năm 2024, nhưng giá trị sản xuất, tính luôn cả sản lượng của các công ty trong và ngoài nước, sẽ chỉ đạt khoảng 43 tỉ USD.