HomeThương trườngTriết lý đầu tư bình dân của ông chủ Winsan

Triết lý đầu tư bình dân của ông chủ Winsan

CEO Phạm Văn Tam khiến nhiều người bất ngờ khi thành lập Tập đoàn đầu tư Winsan với vai trò mới là nhà đầu tư, thay vì chỉ đóng khung ở nhà sản xuất hay ông chủ hãng TV Việt. Những bài học kinh nghiệm từ khi khởi nghiệp, đến những biến cố đã trải qua và nền tảng tài chính sau nhiều năm là hành trang cho vị CEO này khi lựa chọn đồng hành cùng doanh nghiệp.

https://lh4.googleusercontent.com/x5bSfYQ_p4hVzvWPfAood66a62ERksOvNUR0vn9smrcbjUYKycyqH9nlVcnCpdcViNVkGMsWjBgJCkwmZBGCx6ukAH_23a9YHty58LO76EcPVag4gUOoM6bVuEaZAUJxEZBzYj8

Ông Phạm Văn Tam, nay là Chủ tịch Winsan.

Ông chủ Asanzo lâu nay vẫn được biết đến với những sản phẩm TV, điều hoà bình dân, và nay đầu tư bình dân khi đã là Chủ tịch Winsan. Từ đâu ông có lựa chọn này?

– Tôi vốn xuất thân từ con nhà nghèo. Khi tôi còn nhỏ, những chiếc TV là ao ước của một hộ gia đình. Một chiếc TV CRT đen trắng khi đó cũng là một tài sản lớn ở những nhà có thu nhập tốt.

Chính từ hoàn cảnh khó khăn, khi bắt đầu kinh doanh tôi nhắm đến sản phẩm giá rẻ vì tôi biết gia đình mình mong muốn gì, hàng xóm mình cần gì. Mục tiêu là tạo ra những sản phẩm gia dụng giá thành bình dân để nhiều gia đình có thể tiếp cận.

Tôi cho rằng bắt đầu với những gì mình hiểu nhất, tiếp cận được từ tầng lớp rộng rãi nhất sẽ là cách phát triển bền vững. Nhất là khi phân khúc bình dân ở thời điểm đó bị bỏ qua, kể cả hiện nay.

Câu chuyện này cũng một phần giống như cách các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai từng làm. Khởi điểm, Samsung chỉ chuyên cung cấp linh kiện cho các thương hiệu khác, nhưng dần phát triển thành một tập đoàn hàng đầu, với những sản phẩm có giá trị cao.

– Anh đã tận dụng khoảng trống thị trường bị bỏ qua đó như thế nào?

– Các tập đoàn lớn trên thế giới với lịch sử hàng chục năm đã đầu tư nhiều công nghệ, chất xám vào các sản phẩm điện tử và nhắm đến phân khúc cao cấp. Chất xám đầu tư, tính độc quyền công nghệ chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm.

Thời điểm chúng tôi làm TV, giá thành TV vẫn ở mức cao. Đơn cử một chiếc TV LCD 32 inch giá khoảng 10 triệu đồng, rất khó để những gia đình thu nhập thấp tiếp cận. Do đó, TV Asanzo khi mới ra đời đã ngay lập tức tạo cú sốc, thành trào lưu với mức giá chỉ bằng nửa, bằng một phần ba.

Lúc đầu tôi vốn chỉ định nhắm đến thị trường nông thôn và rất thành công, bà con đánh giá rất tích cực. Nhưng tôi thấy có xu hướng sản phẩm Asanzo xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường thành phố, nhất là một năm trở lại đây. Ví dụ, tại chương trình Flash sale trên Lazada, TV Asanzo bán hết rất nhanh và tổng kết cho thấy 80% người mua là ở thành phố. Tôi nhận ra rằng thị trường bình dân không chỉ ở nông thôn, mà ở ngay đây, các thành phố lớn cũng đang có một lượng lớn khách hàng có nhu cầu sản phẩm giá rẻ.

Rất nhiều đại lý khi phản hồi, cho biết Asanzo đang được rất nhiều gia đình thành phố chọn khi mua TV cho căn phòng ngủ thứ hai, thứ ba, hoặc cho người giúp việc. Phòng khách có thể lắp chiếc TV thương hiệu lớn, nhưng phòng ngủ thì không cần trưng thương hiệu với ai, chỉ cần đủ chức năng và bền bỉ. Nhiều hệ thống, chuỗi khách sạn cũng chọn vì giúp họ cắt giảm rất lớn chi phí giá thành. Khi công nghệ, chất lượng sản phẩm trở nên tương đồng, giá thành là yếu tố cạnh tranh chính.

Trong biến cố vừa rồi với Asanzo, điều tôi nhớ nhất lại là một nhận xét rằng chưa có một khách hàng nào khiếu nại Asanzo. Đọc bình luận trên các báo chí, tôi cảm động khi có những bình luận rằng nhờ Asanzo mà họ mua được TV, điều hoà cho bản thân, cho bố mẹ. Có một thống kê ở thị trường nông thôn của chúng tôi cho thấy cứ 100 người mua điều hoà Asanzo, có tới gần 80% là người mua lần đầu.

Khi thành lập tập đoàn Winsan, anh đã công bố mục tiêu hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, có tiềm năng nhưng còn thiếu vốn đầu tư. Đây là từ thiện hay win – win?

– Asanzo xuất phát điểm là một khởi nghiệp non trẻ, không có nhiều tiềm lực. Khi tôi khởi nghiệp, thiếu vốn do lúc đó một thân một mình ở Sài Gòn không có họ hàng giúp đỡ, không có nhà cửa để thế chấp ngân hàng. Do đó, tôi hiểu được khó khăn của doanh nghiệp mới thành lập. Những vẫn đề về quản trị, tiếp cận nguồn vốn là họ vấn đề thường gặp phải, do đó khát khao của Winsan là chia sẻ khó khăn ban đầu với các startup.

Cách thức hoạt động của Winsan không giống mô hình cho vay thông thường. Chúng tôi không đầu tư đại trà mà lựa chọn những ngành nghề cụ thể, có sự hiểu biết rõ ràng để đồng hành cùng các startup. Dĩ nhiên không phải làm từ thiện nhưng đó là hợp tác hai bên cùng có lợi, thay vì chỉ chăm chăm tìm ra lợi nhuận.

– Triết lý bình dân được Chủ tịch Winsan áp dụng trong lựa chọn dự án hay doanh nghiệp để đầu tư như thế nào?

– Mới đây tôi chọn hợp tác với một doanh nghiệp nhỏ chuyên về thiết bị lọc nước RO. Anh chủ hãng này tôi biết, rất giỏi về nghề. Doanh nghiệp đã hoạt động 10 năm nay nhưng không thể bứt phá dù thị trường tiềm năng và chất lượng sản phẩm tốt. Thiếu vốn, kém hiệu quả trong quản trị, quảng bá thương hiệu là điều còn thiếu và tôi sẽ hỗ trợ.

Tương tự, Winsan sẽ nhắm đến những doanh nghiệp có hoàn cảnh tương đồng với Asanzo khi khởi nghiệp. Đó là những doanh nghiệp có năng lực chuyên môn, tiềm năng phát triển, tuy nhiên chiến lược kinh doanh không rõ ràng và cần một nhà đầu tư am hiểu.

Quản trị doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Nếu làm không tốt, chủ doanh nghiệp có thể gặp nhiều rủi ro, không thể phát triển. Đây là bài học được đúc rút từ chính những biến cố Asanzo đã trải qua. Winsan với kinh nghiệm với quản trị, định hướng marketing và nhất là vốn sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của các startup.

Vốn đi lên từ sản xuất, tôi thiện cảm hơn với các doanh nghiệp sản xuất vì họ tạo ra giá trị thật. Tỷ lệ rủi ro khi đầu tư cho startup về sản xuất cũng thấp hơn so với các loại hình đầu tư khác, đồng nghĩa với việc tỷ lệ lợi nhuận sẽ thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin rằng mức quản trị rủi ro ở mức khả thi nhất, bởi Asanzo cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn, bản thân tôi cũng trải qua nhiều sóng gió, mất mát.

– Đang từ vai trò nhà sản xuất, nay đứng vai trò nhà đầu tư, anh tự thấy mình cần thay đổi góc nhìn và hành động như thế nào?

Điều đầu tiên tôi đã làm là thay đổi bản thân, không bảo thủ mà lắng nghe những người có chuyên môn. Ví dụ như về luật pháp, pháp chế, chuyên gia ở từng lĩnh vực, hay marketing, đội ngũ thị trường. Hiện nay tôi có một đội ngũ luật sư, am hiểu luật để tư vấn cho mình.

Bên cạnh đó, cách quản trị doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi. Trước đây tôi thường giải quyết công việc qua điện thoại, tuy nhiên, mọi thứ hiện tại đều phải thể hiện qua văn bản. Tôi vừa ký hợp tác với một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam để chuyển đổi số toàn bộ quy trình doanh nghiệp.

Ngoài ra, Winsan thành lập thêm nhiều đội ngũ chuyên môn để tư vấn, hỗ trợ thay vì tôi tự quyết mọi thứ như trước đây.

– Còn điều gì là không thay đổi?

– Lâu nay, bạn bè, đối tác cũng như khách hàng đã quen với một Phạm Văn Tam rất dân dã, bình dị. Đó sẽ luôn là con người của tôi dù là Chủ tịch Asanzo hay Chủ tịch Winsan, là nhà đầu tư.

Điều thứ hai không bao giờ thay đổi là niềm tin ở con người. Sau biến cố đã qua, đội ngũ nhân sự của tôi không thay đổi, tôi không sa thải một người nào. Với những sai lầm đã mắc phải, tôi khuyến khích đội ngũ nhân viên trau dồi kiến thức để bắt kịp với thời đại, với sự phát triển của công ty.

Tôi luôn tâm niệm rằng mình phải sống trước sau như một, dù có chuyện gì xảy ra. Giai đoạn đó,cũng có không ít người quay lưng. Nhưng khi mọi chuyện ổn định trở lại, tôi vẫn đối xử tốt với họ, thậm chí tốt hơn cả trước đây.

– Một năm nhiều biến động, rồi dịch bệnh ập đến, người ta không còn thấy ông Phạm Văn Tam với những hoạt động thiện nguyện như trước. Nhiều người tự hỏi khi nào anh sẽ quay lại với các hoạt động vì cộng đồng, vì người nghèo?

– Thiện nguyện là những hoạt động mang lại giá trị tốt hơn cho những người khác. Hiện nay trong giai đoạn dịch bệnh, tôi tự nhận ra việc mình chú tâm vào quản trị, phát triển để đảm bảo công ăn việc làm tốt nhất cho những người đã theo công ty cũng đã là mang đến giá trị cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Asanzo vẫn tận tâm với các hoạt động hỗ trợ người dùng có hoàn cảnh khó khăn. Ít ai biết lâu nay Asanzo là công ty triển khai chính sách sửa chữa, thay thế linh kiện miễn phí cho khách hàng khó khăn. Chỉ cần họ có giấy hộ nghèo là chúng tôi miễn phí. Mới đây có một bạn cấp dưới báo cáo con số cho thấy tiền hỗ trợ người dùng về linh kiện miễn phí có những tháng lên đến hàng trăm triệu đồng.

An Bình

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img