HomeThương trường'Tranh tối tranh sáng' của bán hàng livestream ở Việt Nam

‘Tranh tối tranh sáng’ của bán hàng livestream ở Việt Nam

Livestream đang giúp nhà bán hàng chân chính lẫn giới kinh doanh lậu “phất lên”, còn người mua không tỉnh táo dễ rơi vào “ma trận”.

Để thu hút tối đa sự chú ý của người tiêu dùng trong đợt khuyến mại thường niên 9/9 năm nay, các sàn kinh doanh trực tuyến cho ra loạt sự kiện livestream tương tác với khách hàng. Đình đám nhất là hai chương trình đại nhạc hội livetream được phát trên ứng dụng của Lazada và Shopee trong cùng đêm 8/9. Cả hai sàn đều livetream với khách mời là các nghệ sỹ nổi tiếng.

Xu hướng này diễn ra mạnh trong hai năm gần đây khi các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều thi nhau livestream. Phía Lazada cho hay, Covid-19 càng giúp livetream bùng nổ, với lượng người xem tăng hơn 21 lần và số lượng lượt mua hàng qua kênh này tăng hơn 24 lần so với năm ngoái.

Nguyễn Kiên Giang, Thành viên sáng lập Hufuholic, một đơn vị phân phối mỹ phẩm nhập cũng cho hay, mỗi lầm livestream có được cả chục ngàn lượt xem. “Chúng tôi dễ dàng giải đáp những thắc mắc của người mua, giúp họ tin tưởng và nhanh chóng đưa ra quyết định mua hàng”, anh nói.

Hay Nguyễn Hùng Tuấn, Chủ thương hiệu giày dép Erosska nói một buổi livestream của họ có thể đạt đến 15.000 lượt xem, giúp tăng lượng đơn hàng và doanh thu gần 30% so với trước.

Là phương thức bán hàng phổ biến tại Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng ở Việt Nam, các sàn thương mại điện tử chính thức đầu tư mạnh vào livestream chỉ từ năm 2019. Giới trong ngành gọi đây là “át chủ bài” của xu hướng “shoppertainment”, tức mua sắm kết hợp với giải trí.

“Mục đích là giúp người tiêu dùng làm quen với thương mại điện tử. Từ đó, giúp họ dịch chuyển hành vi tiêu dùng dễ dàng hơn”, bà Trần Thanh Huyền, Giám đốc Quản lý Thương hiệu Lazada Việt Nam nói. Đồng thời bà cho biết, hình thức bán hàng này có ưu điểm là người tiêu dùng dễ trao đổi, tìm hiểu sản phẩm với nhà bán hàng và giải trí.

Bà Vũ Thanh Quỳnh, Giám đốc truyền thông Shopee Việt Nam cũng nhìn nhận, livestream được chuộng nhờ tính giải trí và thực tế. Công cụ này phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại khi mua sắm trực tuyến, bỏ đi rào cản không được cầm nắm hay thử sản phẩm. Vì khách được nhìn hình sản phẩm thực hơn ảnh chụp hay quay quảng cáo, lại tương tác được với người bán ngay.

“Người tiêu dùng xem livestream nhiều hơn khi họ ở nhà và nhà bán hàng thì xem đây như một công cụ giúp họ đa dạng hóa nguồn thu và bù đắp sự sụt giảm doanh số những kênh truyền thống”, bà Huyền nói.

Nhưng livestream cũng có những điểm hạn chế vì khi nó ngày càng nở rộ, mức độ cạnh tranh cao thì không phải ai cũng dễ dàng thành công. Bà Nguyễn Trần Bích Ngọc, Nhà sáng lập kiêm CEO EComEasy (ECE), một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, cho biết có ít nhất 4 thách thức mà người bán cần giải quyết nếu muốn sống còn với con đường này.

Thứ nhất, nội dung livestream phải thu hút, deal phải tốt hơn mua offline hay mua bình thường qua sàn. Thứ hai, chất lượng sản phẩm phải tốt để người mua còn quay lại. Thứ ba, việc giao hàng đủ nhanh để khách hàng còn thích thú và mong chờ, không bị “quên” giữa hàng chục livestream khác mà họ xem mỗi ngày. Ngoài ra, việc chăm sóc khách hàng như phương thức thanh toán, bảo hành đổi trả có giúp họ hài lòng không.

Từ trái sang, người bán hàng livestream bán chiếu, giày và kem trộn trên Facebook. Ảnh chụp màn hình.

Từ trái sang, người bán hàng livestream bán chiếu, giày và kem trộn trên Facebook. Ảnh chụp màn hình.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Quý, CEO EQVN, một đơn vị tư vấn và đào tạo tiếp thị kỹ thuật số cho rằng, để thành công với livestream không dễ như mọi người nghĩ.

Ông chỉ ra 4 yếu tố cần lưu ý. Thứ nhất là kỹ năng bán hàng và năng khiếu trình diễn trước ống kính, tương tác trực tiếp với khán giả. Thứ hai là khả năng xử lý nhanh các vấn đề rắc rối hoặc các câu hỏi, phản ứng trái chiều của khách hàng.

Thứ ba, người livestream phải đủ tự tin để sử dụng hình ảnh cá nhân, sự tin tưởng nhất định vào sản phẩm dịch vụ mình đang bán, mới có thể trực tiếp truyền tải được giá trị đó cho người xem. Cuối cùng là người livestream phải có ảnh hưởng cộng đồng xã hội nhất định, hoặc phải có thương hiệu cá nhân nhất định mới có thể livestream bán hàng hiệu quả

Livestream cũng tạo ra một thế hệ người kiếm tiền bằng nghề live bán hàng, gọi là streamer. Lazada cho hay, sau một năm đầu tư vào dịch vụ livestream, họ đã có được một đội ngũ các streamer chuyên nghiệp, giúp tăng thu nhập. Hiện chưa có thống kê về mức độ “giàu có” của các streamer bán hàng Việt Nam, nhưng tại Trung Quốc, thị trường này chỉ 5-10% người tham gia có thể sống với nghề, theo CNN.

Mặt trái khác của ngành livestream bán hàng ở Việt Nam là tính “bát nháo” về chất lượng hàng hóa. Với các nền tảng thương mại điện tử lớn, hàng hóa phần nào được sàng lọc. Tuy nhiên, một “đại dương” livestream lớn hơn nhiều lần là các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Bigo…

Khi xem và mua hàng qua livestream trên các nền tảng này, người tiêu dùng hầu như tự chịu tránh nhiệm và dựa vào sự sáng suốt của bản thân. Theo ông Trương Văn Quý, nội dung livestream là trong thời gian thực nên không thể có bên thứ 3 kiểm soát hay kiểm duyệt được ngay. “Do vậy, các hàng hóa kém chất lượng hoặc hàng ‘fake’ thương hiệu có thể khai thác yếu tố này”, ông nhận định.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm giả các thương hiệu nước ngoài được bán livestream trên Zalo, Facebook từ các cơ sở tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác.

Trong đó, vụ lớn nhất là phát hiện kho hàng tại thành phố Lào Cai chuyên livestream bán hàng lậu. Trong 2 năm kinh doanh, 5 đối tượng trong nhóm kinh doanh của kho hàng này đã thu về hơn 649 tỷ đồng. Tổng cục Quản lý thị trường sau đó khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua hàng qua livestream nếu không biết rõ người bán, chất lượng hàng hóa…

Bên cạnh đó, một rủi ro lớn khác là mất thông tin cá nhân. Bởi qua trường hợp kho hàng ở Lào Cai, cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng lấy UID (mã định danh) của người dùng trên Facebook. Với UID của người dùng, kẻ xấu có thể lợi dụng xác định được tên, tuổi, địa chỉ, email, số điện thoại…

“Mua hàng livestream trên mạng xã hội hay thậm chí là các sàn thương mại điện tử vẫn có rủi ro về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Do đó, người tiêu dùng chỉ nên chọn mua hàng livestream tại các trang Facebook và gian hàng trên sàn có chữ chính hãng (hoặc tick xanh) và từ thương hiệu uy tín mình đã biết hay nghe”, bà Bích Ngọc khuyến nghị.

Còn theo ông Quý, người mua nên ghi lại màn hình (record livestream) trong quá trình người bán livestream để có thể làm bằng chứng về sau nếu có khiếu nại, tranh chấp hoặc sản phẩm không đúng như cam kết.

Viễn Thông

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img