Tranh luận về bất bình đẳng trong trường học

Hà NộiChuyên gia nhận định các trường cần xây dựng chương trình đặc biệt để đào tạo tài năng, nhưng ý kiến khác lại cho rằng cần phát triển đồng đều mọi học sinh.

Tại buổi thảo luận về vấn đề rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng học đường của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức chiều 12/9, ông Nguyễn Thế Đại, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng ngoài việc xây dựng một chương trình chuẩn, các trường phải đào tạo tài năng.

Ông Đại chia sẻ, từ năm 1996, trường THCS Giảng Võ chuyển từ mô hình trường chuyên sang trường công lập có 30% lớp chọn, chuyên. Nhiều phụ huynh phản ánh, bức xúc với ông rằng việc này khiến môi trường học đường có sự bất bình đẳng. “Theo tôi, trường phổ thông cần duy trì một chương trình cơ bản nhất, chuẩn kiến thức kỹ năng. Tuy nhiên, các trường không thể từ bỏ trách nhiệm phát hiện tài năng của học sinh”, ông Đại nói.

Lý giải điều này, ông cho biết mỗi em có năng lực và nhận thức khác nhau, việc đặt ra một tiêu chuẩn chung và yêu cầu tối thiểu là cần thiết nhưng chưa đủ. Ban giám hiệu phải tổ chức các câu lạc bộ, xây dựng các chương trình trên chuẩn để đáp ứng khả năng của học sinh và nguyện vọng của gia đình. Nếu không làm được việc này, nhà trường chưa đáp ứng được kỳ vọng của học sinh và phụ huynh.

“Việc không thể đào tạo và phát triển học sinh năng khiếu cũng khiến thương hiệu của một trường bị hạn chế”, ông Đại nhận định.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng việc tạo cơ hội cho học sinh phát triển điểm mạnh, đúng với khả năng cũng là cách để tạo cơ hội bình đẳng, không ép các em theo tiêu chuẩn chung. Theo bà Huyền, khi xây dựng chương trình nâng cao, trường phải hiểu học sinh để biết các em thật sự cần gì và điều gì phù hợp. “Với tôi, phát triển tài năng không chỉ là về mặt học thuật hay các môn văn hóa mà thể thao, nghệ thuật cũng cần được chú trọng”, bà nói.

TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Time School, không đồng tình với quan điểm trên. Theo ông Dương, trường phổ thông không phải nơi đào tạo nhân tài vì không đủ nhân lực và cơ sở vật chất. Ông lấy ví dụ, những em có thế mạnh thể thao, âm nhạc cần được đào tạo tại các trường năng khiếu, dưới sự dẫn dắt của cựu vận động viên hoặc nghệ sĩ, chứ không phải tại trường phổ thông.

Bên cạnh đó, việc bắt một đứa trẻ phát triển quá sớm, tham dự nhiều cuộc thi, giành giải thưởng từ những năm phổ thông sẽ khiến chúng bị thui chột, quá sức khi bước chân vào đại học. Ông Dương lưu ý, hiện nhiều phụ huynh nhầm lẫn giữa việc trẻ có tài năng với một số biểu hiện nổi trội nên kỳ vọng, đặt cho trẻ chiếc áo quá lớn, tạo gánh nặng cho các em từ sớm. “Thay vì đào tạo tài năng, các trường nên làm tốt nhiệm vụ phát hiện, sau đó giới thiệu, hỗ trợ các em đến các đơn vị giáo dục phù hợp với khả năng đó”, ông Dương nói.

Lãnh đạo trường Time School còn đề cập đến khái niệm “cá nhân hóa giáo dục”, tức là xác định lực học, hoàn cảnh của các em, từ đó giáo viên có phương pháp dạy phù hợp. Việc này khác với dồn học sinh khá, giỏi vào một lớp chuyên hay trường chuyên, mà chỉ tập trung giúp học sinh, dễ dàng tiếp thu bài học. Để cá nhân hóa giáo dục, học sinh cần biết hoàn cảnh, năng lực và thiên hướng của mình là gì và đặt mục tiêu trong học tập. Nếu các em chưa biết, gia đình và nhà trường có nhiệm vụ hỗ trợ.

Để giảm bất bình đẳng học đường, không học sinh nào bị bỏ lại sau những chương trình và biện pháp học tập tiên tiến, cả ba chuyên gia đều cho rằng nhà nước là nhân tố chủ chốt, quan trọng nhất. “Để xóa bỏ hoặc giảm thiểu bất bình đẳng học đường tối đa, chính sách của nhà nước là cách duy nhất làm được điều này”, ông Dương nói.

Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm ba yếu tố khác, hỗ trợ nhà nước trong việc này. Thứ nhất, các nhóm từ thiện. Bằng việc ủng hộ sách, vở, điện thoại hoặc lắp đặt đường dây Internet, các nhóm từ thiện giúp xoa dịu phần nào sự thiệt thòi của học sinh vùng khó khăn khi chính sách chưa chạm thới. Thứ hai, các tổ chức xã hội nhân sự, hoạt động có mục tiêu, hỗ trợ đào tạo nhân lực tài năng trong thời gian dài.

Yếu tố thứ ba được ông Dương đề cập là gia đinh. Bản thân các gia đình cần phải tự nhận thức và có ý thức rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng. Nếu không có cơ sở vật chất, phụ huynh có thể kêu gọi anh em, họ hàng hỗ trợ, hoặc ít nhất là điểm tựa tinh thần cổ vũ các em.

Bổ sung quan điểm của ông Dương, bà Huyền cho rằng không thể bỏ qua vai trò của giáo viên, nhà trường trong việc giảm bất bình đẳng. “Các nhóm từ thiện, tổ chức xã hội có chạm tới những cá nhân cần hỗ trợ hay không là nhờ sự kết nối, năng động từ các thầy cô và thái độ cởi mở của các trường”, bà nói.

Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcQuyết bỏ nghề lái xe về quê trồng sen, chỉ một năm anh thanh niên thu nửa tỷ đồng
Bài tiếp theoTrung Quốc không muốn TikTok ‘bán mình’ cho doanh nghiệp Mỹ? | Thế giới