|
Dân mạng tranh cãi: ‘Sao làm khổ con?’
Câu chuyện trên tạo ra cuộc tranh cãi trên mạng xã hội. Đa số các ý kiến không đồng tình với hành động này của người cha vì cho rằng như vậy là làm khổ con. Thậm chí, một số người còn gay gắt cho rằng tài xế GrabBike đang đem con ra làm công cụ kiếm tiền.
|
Tài khoản Trần Đăng Hiến thở dài: “Chạy không biết được bao nhiêu mà mang bé theo bé sẽ hít khói bụi dọc đường rồi bệnh không đủ tiền chữa”. Facebooker Đào Hữu Sáng gay gắt: “Hai gia đình không có ông bà sao, người thân đâu hay lại lấy con ra làm màu cho xã hội rủ lòng thương. Tội cháu bé!”.
Tương tự, nickname Thuy Huynh bức xúc: “Sinh con ra thì phải lo cho con, chứ sao làm khổ con như vậy, khó khăn gì cũng cố gắng lên chứ”. Tài khoản tên Giả Lâm thì nhắn: “Trước khi sinh con phải tính đến chuyện nuôi con. Đã có 1 đứa rồi thì phải hiểu rõ chứ”.
|
Một số ít ý kiến khác đồng cảm và để lại những bình luận chia sẻ. “Ai cũng có hoàn cảnh riêng, đừng áp đặt mình vào họ mà phán xét”; “Không ai muốn cho con mình khổ đâu mọi người, người có tiền thì giúp vật chất, không tiền thì chúc người ta mạnh khỏe vượt qua khó khăn thôi”; “Thương con quá”… là những bình luận đồng cảm.
‘Đường cùng tôi mới phải làm như vậy’
|
Điện thoại anh Hiếu liên tục có các cuộc gọi đến hỏi thăm, căn phòng cũng tấp nập hơn vì chốc chốc lại có người tìm đến cho hộp sữa, ít tã, quần áo hay dúi vào tay anh vài trăm ngàn san sẻ khó khăn.
Anh Hiếu kể, anh không có ký ức gì về cha vì cha mẹ thôi nhau khi anh chỉ vài tháng tuổi. Anh rong ruổi cùng mẹ đi bán vé số khắp các nẻo đường. Học hết lớp 7, nhận thấy sự khó khăn vất vả của mẹ, anh nghỉ học đi xin làm các công việc lặt vặt để mẹ con trang trải qua ngày.
Năm 2016, anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Phương Thảo (36 tuổi) và có bé đầu là Trần Nguyễn Thiên Ân vào tháng 10.2017. Tới tháng 12.2019, vợ chồng anh có thêm bé Trần Nguyễn Thiện Nhân.
|
Anh Hiếu tâm sự: “Vợ tôi bị tật tay chân ngắn nên chăm con không ổn, nên 6 tháng sau sinh bắt đầu đi làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị. Tôi đưa con đi chạy Grab cùng, thiệt lòng cực chẳng đã, đường cùng mới phải làm như vậy vì tôi có nợ gần 70 triệu của ngân hàng và app để làm ăn mà bị lừa hết sạch. Giờ mỗi tháng ngân hàng trừ 8 triệu nên không còn cách nào khác tôi vẫn phải chạy xe đều đều”.
Theo lời anh Hiếu, anh không tìm được trường công nhận giữ trẻ dưới 12 tháng để gửi con, có trường tư thì mức học phí từ 3,5 – 4 triệu anh không đủ lo liệu nên đành đưa con đi chạy Grab cùng.
|
“Đâu ai muốn con mình khổ. Nhiều lúc chở con mà nước mắt tôi cứ vậy chảy, người ta thì nói tôi giả tạo, đưa con đi để xin tiền. Nhìn con ngủ ngon lành trên xe tim tôi như ai bóp nghẹn, khó chịu lắm. Có lúc tôi từng muốn muốn bỏ hết, nhảy sông hay đâm đầu vô xe tải mà nhìn hai đứa không nỡ phải cố gắng, mình đã mang tiếng con không cha rồi không để hai đứa đi theo con đường đó nữa”, vừa nói, anh Hiếu vừa đưa tay má quệt nước mắt.
Bà Lê Thị Nga (71 tuổi, mẹ anh Hiếu) cho biết nhìn con cháu khổ cực lòng bà cũng quặn thắt lại nhưng không biết phải làm sao. Mỗi ngày, bà đi bán 100 tờ vé số lấy tiền lời phụ con đóng tiền nhà trọ, tiền gạo.
|
|
“Vì có nợ nên mới áp lực, tôi đi bộ bán vé số dưới trời nắng còn thấy mệt, huống gì cháu mình mới lớn bây nhiêu. Hôm nào thấy nắng gắt quá thì tôi gọi con kêu đưa cháu về kẻo tội”, bà Nga tâm sự.
Nhiều người hàng xóm chung dãy trọ với gia đình anh Hiếu cũng xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn, thấy anh đưa con đi chạy Grab ai cũng xót xa.
|
Đại diện Grab cho biết, theo quy định tài xế GrabBike không được chở theo bất kỳ ai khi chở khách, nhưng vì hoàn cảnh anh Hiếu quá đặc biệt nên công ty cho phép “ngoại lệ” để anh chở con đi cùng với điều kiện đảm bảo an toàn cho bé.
Nhiều người từng giúp đỡ, tài xế GrabBike vẫn kiên quyết đưa con đi
Trao đổi với PV, một số người quen biết với tài xế GrabBike (xin giấu tên) cho biết anh Hiếu nhận được sự giúp đỡ của mọi người vì thấy anh chở con trai nhỏ đi làm cùng “tội nghiệp”. Một số người cũng đưa ra các giải pháp như gợi ý bà nội ở nhà giữ bé để anh Hiếu chạy thêm giờ kiếm thêm tiền, hoặc tìm những nhà trẻ với học phí rẻ hơn nhưng anh Hiếu vẫn đưa bé đi làm cùng mình.
Một người quen biết lâu năm với anh Hiếu vì cùng sinh hoạt trong gia đình Phật tử (xin giấu tên) cũng cho biết, thấy hoàn cảnh của anh khó khăn, nhiều người cùng sinh hoạt trong chùa đã “của ít lòng nhiều” chung tay san sẻ cùng anh. Có người cũng hỗ trợ anh tìm một công việc mới là làm bảo vệ để có thu nhập ổn định hơn chăm lo cho gia đình nhưng anh vẫn kiên quyết chở con cùng theo đi chạy GrabBike khiến nhiều người “thất vọng”.
Một tài xế GrabBike khác cũng chia sẻ, trong cộng đồng tài xế, có nhiều người hoàn cảnh còn khó khăn hơn anh Hiếu vì là người ở tỉnh lên, hai vợ chồng cũng tự chăm con nhỏ và ở nhà trọ chật chội nhưng họ vẫn không đưa con nhỏ cùng đi theo như vậy.
“Dù là với lý do gì, ảnh có thiếu nợ cần cày cuốc cũng không được hành đứa bé như thế”, người này nói. Anh đã tìm đến nhà để đưa ra các giải pháp như: bà nội ở nhà giữ bé để anh Hiếu chạy thêm giờ kiếm tiền, hoặc tìm những nhà trẻ với học phí rẻ hơn… nhưng gia đình không lựa chọn các phương án này.
PV cũng đặt câu hỏi này với anh Hiếu, anh trả lời: “Vợ tôi cũng từng kêu tôi để con ở nhà vợ giữ, nhưng vợ tay ngắn lo cho mình chưa xong sao lo cho con được. Tôi chăm con thì tôi mới yên tâm”.