Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, việc Tổng thầu EPC (Trung Quốc) đòi ứng trước 50 triệu USD trước khi chạy thử tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) là thông tin đưa ra tại cuộc họp, không phải văn bản chính thức. Đại diện chủ đầu tư cũng khẳng định, hoạt động chạy thử tàu không phát sinh thêm chi phí, phía tổng thầu phải thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành. Ảnh: Trọng Tài
Không phải đội thêm vốn đầu tư
Sáng 2/6, trao đổi với PV Báo , Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc Tổng thầu EPC đề nghị được thanh toán 50 triệu USD để chạy thử tàu trên toàn tuyến đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông phục vụ công tác nghiệm thu được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với Ban Quản lý Dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư).
“Đề nghị này chỉ được đưa ra tại cuộc họp, không có văn bản chính thức nên không xem xét. Việc thanh toán phải thực hiện theo hợp đồng, khối lượng công việc hoàn thành, không phải cứ đề nghị là được”, ông Đông nói. Theo ông Đông, hoạt động chạy thử tàu để nghiệm thu đã có trong hợp đồng, tổng thầu phải thực hiện, kể cả gặp khó khăn về tài chính.
Về khó khăn, vướng mắc trong giải ngân khoản vay bổ sung ODA cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (thêm 250 triệu USD), theo ông Đông, hiện tại tất cả đã được giải quyết. Chỉ còn một số khoản thanh toán CHƯA ĐƯỢC THỰC HIỆN do liên quan tới kiểm toán đang làm nên đã tách ra thanh toán sau.
Theo Bộ GTVT, do dịch Coѵīd-19, nhân sự của các nhà thầu Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án. Bộ đã giao Ban Quản lý dự án Đường sắt (đại diện chủ đầu tư) thường xuyên họp trực tuyến với Tổng thầu EPC, Tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để giải quyết công việc của dự án.
Ngày 12/5, Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức họp trực tuyến với ông Tiêu Vu Thái, Tổng Giám đốc Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC). Tại cuộc họp này, ông Thái đã thông báo Tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ đã tham gia thực hiện một số phần việc của dự án. Do đó, Tổng thầu EPC kiến nghị Chủ đầu tư thanh toán cho tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án.
Về đề nghị thanh toán 50 triệu USD của tổng thầu, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết, đây không phải là phát sinh hay đòi hỏi, điều kiện của tổng thầu đưa ra để thực hiện chạy thử tàu. Số tiền đó là khoản thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành, các nhà thầu đang hoàn thiện hồ sơ để chủ đầu tư nghiệm thu và giải ngân. Do tổng thầu gặp khó khăn, nên muốn được giải ngân trước khi xong thủ tục nghiệm thu. Đề xuất này chưa phù hợp, dù chia sẻ khó khăn với tổng thầu, nhưng phải đầy đủ thủ tục theo quy định Pháp Luật Việt Nam và hợp đồng đã ký, chúng tôi mới giải ngân được.
“Đây không phải chi phí phát sinh hay tăng thêm so với hợp đồng đã ký. Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu sớm hoàn thiện hồ sơ để giải ngân. Còn việc chạy thử tàu để nghiệm thu tổng thầu phải thực hiện theo hợp đồng. Không phát sinh thêm chi phí gì và không buộc phải thanh toán nhà thầu mới làm”, ông Phương khẳng định. Tới nay, chủ đầu tư đã thanh toán cho tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20% (tương đương 130 triệu USD).
Chưa hẹn ngày hoàn thành
Hiện tại, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể khởi động lại từ sau kỳ nghỉ tết vừa xong. Bộ GTVT lý giải, do ảnh hưởng của dịch Coѵīd-19, các nhân sự của tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT của Pháp) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án.
Ảnh: Trọng Tài
Về chuyên gia Trung Quốc, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, phía Việt Nam và Trung Quốc đã cơ bản đồng ý để các chuyên gia này sang Việt Nam. Bộ GTVT đang đợi UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý và bố trí khu cách ly chuyên gia Trung Quốc. Khi những nhân sự này sang Việt Nam vẫn phải thực hiện cách ly trong 14 ngày, sau đó mới bắt đầu công việc chạy thử tàu 20 ngày để đánh giá, nghiệm thu. Theo ông Đông, thời gian nào dự án khởi động và hoàn thành vẫn chưa thể nói trước.
Ông Vũ Hồng Phương cho biết thêm, với nhân sự Trung Quốc có thể họ sẽ sớm sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án, vì phía bạn đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, khó nhất là với chuyên gia tư vấn đánh giá an toàn hệ thống của Pháp, vì đường bay Việt Nam với châu Âu chưa được nối lại, diễn biến dịch bệnh khu vực này còn rất phức tạp. Trước mắt, khi nhân sự Trung Quốc sang sẽ hoàn thành công việc còn lại, thực hiện chạy thử toàn hệ thống, khi chuyên gia Pháp sang sẽ đánh giá an toàn và thực hiện nghiệm thu. “Còn khi nào dự án xong thì cũng khó nói”, ông Phương chia sẻ.
Trước đó, sau thời gian vận hành thử các đoàn tàu, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến chạy thử toàn hệ thống trong 20 ngày từ đầu tháng 12/2019, để làm cơ sở nghiệm thu, bàn giao khai thác. Tuy nhiên, sau 5 ngày chuẩn bị cho công việc này, phía Tổng thầu EPC vẫn chưa xây dựng phương án an toàn khai thác nên phía Chủ đầu tư không đồng ý cho thực hiện vận hành thử toàn hệ thống, dù phía Tổng thầu vẫn đề nghị được cho chạy. Sau đó, việc chạy thử tiếp tục được lùi tới cuối tháng 12/2019, sang đầu năm 2020, rồi dự kiến ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng dịch Coѵīd-19 xảy ra và dự án đình trệ tới nay.
Trước đó, sau thời gian vận hành thử các đoàn tàu, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến chạy thử toàn hệ thống trong 20 ngày từ đầu tháng 12/2019, để làm cơ sở nghiệm thu, bàn giao khai thác. Tuy nhiên, sau 5 ngày chuẩn bị cho công việc này, phía Tổng thầu EPC vẫn chưa xây dựng phương án an toàn khai thác nên chủ đầu tư không đồng ý cho vận hành thử toàn hệ thống, dù Tổng thầu vẫn đề nghị cho chạy.
Sau đó, việc chạy thử tiếp tục được lùi tới cuối tháng 12/2019 sang đầu năm 2020, rồi dự kiến ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng dịch Coѵīd-19 xảy ra và dự án đình trệ tới nay.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,5km, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó tăng lên 891 triệu USD.