HomeStartupTổng quan vụ WeFit phá sản: Khách hàng có đòi được tiền?...

Tổng quan vụ WeFit phá sản: Khách hàng có đòi được tiền? | WeWow là gì | WeFit là gì | Vụ WeFit sập mới nhất | WeFit bị tố lừa đảo

Như đã biết, Công ty Cổ phần Công nghệ Onaclover, doanh nghiệp vận hành ứng dụng liên kết WeWow vừa gửi thông báo tới người dùng và hệ thống đối tác là các phòng tập và cơ sở chăm sóc sắc đẹp về việc buộc phải dừng hoạt động từ ngày 11/5 do vốn hoạt động đã cạn kiệt.

Theo bức thư thông báo của WeWow, sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm 2020, mặc dù đã rất nỗ lực để cải tổ nhưng sau đó do ảnh hưởng của dịch bệnh, WeWow lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được.

Bức thư WeWow gửi người dùng viết: “Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn, do đó không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm của mình. WeWow buộc phải dừng hoạt động tất cả các sản phẩm (WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy) từ 8h00 ngày 11/5/2020”.

“Chúng tôi đã chính thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Công nghệ Onaclover tại Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội theo các quy định của pháp luật”, đại diện WeWow cho biết.

Quá trình WeWow sụp đổ thực tế đã diễn ra từ khá lâu, hãy cùng nhìn lại quá trình này và những khả năng xảy ra tiếp theo.

WeWow – WeFit là gì?

WeWow khởi nguồn từ WeFit, ứng dụng liên kết phòng tập ra đời năm 2016 với kỳ vọng về cách thức tập luyện mới linh hoạt, tiện lợi, đa dạng – một “Uber của Fitness”. Năm ấy, cái tên WeFit cùng với founder Nguyễn Khôi nổi lên như một hiện tượng.

Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Đây cũng là lúc WeFit phát triển mạnh mẽ nhất.

Trong giai đoạn cực thịnh, hệ thống đối tác WeFit lên đến gần 800 phòng tập và vượt qua dấu mốc 2 triệu lượt đặt lịch tập sau hơn 2 năm.

Những dấu hiệu sụp đổ của WeFit, WeWow

Quãng thời gian ngay sau giai đoạn cực thịnh, WeFit bắt đầu gặp những vấn đề trong cách thức vận hành và gặp phải sự phản ứng từ người dùng cũng như đối tác.

Khoảng cuối năm 2019, “cơn bão” phản ứng đầu tiên của người dùng đến từ việc WeFit thường xuyên cắt giảm số buổi giới hạn trong tháng đối với các phòng tập, cũng như mất khá nhiều phòng tập trong hệ thống. Điều đáng nói hơn là không ít phòng tập tố WeFit nợ quá hạn, tổng số tiền chưa thanh toán dồn lại lên đến cả trăm triệu nên buộc phải ngừng liên kết.

Một số khách hàng bắt đầu nhận thấy sự không ổn định của gói tập WeFit, thậm chí cảm thấy “như bị lừa đảo” và đòi hoàn lại tiền. Một số trường hợp đã được giải quyết trong thời gian này.

received_482472775942871.jpeg

Để giải thích cho những thay đổi chính sách của mình, CEO WeFit cho biết nền tảng đang cần làm rõ lại về định hướng sản phẩm, không phải “thay thế vé phòng tập truyền thống với mức giá rẻ hơn” mà là cung cấp một dịch vụ tập luyện nhiều nơi, đa dạng.

Mô hình của WeFit có thể xem như “buffet phòng tập” cho người dùng. Hiểu nôm na là người dùng càng đi tập nhiều, nền tảng trung gian như WeFit càng lời ít, thậm chí phải bù lỗ. Nếu để đặt lịch tự do, WeFit không kiểm soát được tình hình.

Hơn nữa, đại diện WeFit cho biết có tình trạng “booking ảo” mà họ chưa thể giải quyết bằng biện pháp kỹ thuật và việc WeFit phải nợ các phòng tập là để cân đối tài chính.

Khi mở rộng sang mảng chăm sóc sắc đẹp với dịch vụ WeJoy, kết với dịch vụ WeFit cũ để tạo nên ứng dụng chung mang tên WeWow, mô hình kinh doanh được áp dụng cũng khác hẳn. WeJoy áp dụng chính sách tính theo lượt gần như dạng voucher làm đẹp, tránh tình trạng vượt khả năng kiểm soát.

Tuy nhiên, dường như việc định hướng lại sản phẩm này cũng không giúp cải thiện được tình hình là bao. Hàng loạt phòng tập dần dần rời bỏ WeFit vì bị nợ thanh toán, khiến số lượng phòng tập trong hệ thống giảm dần.

Đầu tháng 2/2020, CEO Nguyễn Khôi rời ghế để Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hải Đăng lên thay. Điều này cho thấy phần nào mức độ khủng hoảng lên cao trong WeWow.

Nhận thức mô hình “buffet phòng tập” không bền vững, WeFit cũng bắt tay vào chuyển đổi triệt để sang mô hình trả tiền theo lượt. Đầu tháng 3, WeFit công bố chính sách mới. Mặc dù vậy chính sách này cũng vấp phải sự phản đối của cộng đồng người dùng cũ vì cách thức quy đổi thời hạn sang điểm trong giai đoạn chuyển tiếp.

Sau đó ít ngày, CEO mới Nguyễn Hải Đăng công bố chỉnh sửa cách thức quy đổi trong giai đoạn chuyển tiếp theo hướng có lợi hơn cho người đang dùng WeFit. Điều đáng tiếc là sau thời gian dịch bệnh, WeWow phải tuyên bố phá sản dù trước đó từng hy vọng sẽ có nguồn đầu tư mới.

Người dùng có hy vọng được bồi thường?

Trước khi WeWow tuyên bố phá sản, số lượng người dùng đang còn gói tập khá đông. Trên các hội nhóm hội viên trên Facebook, nhiều người kêu gọi tập hợp để nộp đơn kiện WeWow, yêu cầu bồi thường.

Thống kê về thiệt hại của cộng đồng người dùng cũng đang được kêu gọi tổng hợp trong các hội nhóm, lấy cơ sở dữ liệu nộp đơn kiện.

screenshot_20200512-082552.png

Vậy cơ hội người dùng WeWow đòi lại được tiền vào lúc này như thế nào? Theo chia sẻ từ nhóm Luật sư X (Công ty Luật TNHH LSX), thủ tục phá sản là một thủ tục phức tạp thông qua nhiều bước như: Nộp đơn, nộp án phí, kê khai, đấu giá, thanh lý tài sản, họp hội đồng chủ nợ … và thường để kết thúc sẽ mất từ 1 đến 2 năm.

Về cơ bản, trách nhiệm của WeWow là trách nhiệm hữu hạn, có nghĩa là chịu trách nhiệm trong phần vốn và tài sản hiện có vì Onaclover là công ty cổ phần.

Khi chịu hết trách nhiệm trong số tài sản hiện có thì WeWow sẽ không chịu thêm trách nhiệm, điều này dẫn đến hệ quả là sẽ có nhiều chủ nợ, khách hàng không dễ đòi được phần tiền đã nạp vào trước đó.

Sau 2 năm chờ đợi thì khách hàng có thể được thanh toán sau khi đã phân chia tài sản của công ty phá sản theo thứ tự được quy định tại Khoản 1 điều 54 Luật phá sản 2014, cụ thể lần lượt là:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Những khách hàng cá nhân nhỏ lẻ đang còn gói tập thuộc vào hạng mục “khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ”.

“Vì vậy người dùng cần phải đợi WeWow – Wefit thanh toán chi phí phá sản, lương thưởng bảo hiểm cho người lao động, chi phí khoản vay nợ sau khi mở thủ tục phá sản, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (thuế, phí…) thì mới đến lượt”, nhóm Luật sư X nhận định.

Một điều có thể an ủi phần nào đối với khách hàng, đó là hiện nay rất nhiều phòng tập và trung tâm chăm sóc sắc đẹp sẵn sàng ưu đãi người dùng WeWow – WeFit khi mua gói trực tiếp tại cơ sở.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img