Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã đề nghị thẩm phán Beeler không chặn lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, quyết định của thẩm phán Beeler “sẽ làm thất vọng và gây ảnh hưởng đến quyết tâm của Tổng thống Donald Trump nhằm tìm cách tốt nhất chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Tuy nhiên, bà Beeler nhấn mạnh: “Chắc chắn mối bận tâm về an ninh quốc gia bao trùm toàn bộ chính phủ”. Trong trường hợp này, chính phủ xác nhận ứng dụng Trung Quốc gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia nhưng đưa ra rất ít bằng chứng để chứng minh cho người dùng WeChat thấy lệnh cấm là phù hợp, thẩm phán Beeler viết trong phán quyết dài 22 trang.
Bà Beeler đồng thời lưu ý: “Vẫn còn có lựa chọn thay thế cho lệnh cấm hoàn toàn, chẳng hạn như cấm sử dụng WeChat trong các thiết bị của chính phủ Mỹ”.
Liên minh Người dùng WeChat trước đó đã khởi kiện, phản đối lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ. Liên minh này gọi phán quyết của thẩm phán Beeler “là chiến thắng quan trọng và đầy gian nan cho hàng triệu người dùng WeChat ở Mỹ”.
Ông Michael Bien, luật sư đại diện cho Liên minh Người dùng WeChat, nói: “Mỹ chưa bao giờ đóng cửa một nền tảng thông tin liên lạc, kể cả trong thời chiến. Lệnh cấm đã chà đạp lên Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Mỹ vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận cùng các quyền khác”.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo hoãn lệnh cấm tải ứng dụng TikTok cũng trong ngày 20.9. Lệnh cấm TikTok được dời cho đến ngày 27.9 vì “diễn biến tích cực gần đây”.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Trump tuyên bố chấp thuận về mặt nguyên tắc một thỏa thuận giữa công ty ByteDance sở hữu TikTok với hai công ty Mỹ Oracle và Walmart để thành lập một công ty mới đảm nhận mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ.
Hồi tháng 8, ông Trump ra thời hạn cho ByteDance đến ngày 20.9 phải bán mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ cho công ty Mỹ, nếu không sẽ bị cấm hoạt động ở nước này.