Những năm gần đây, nông nghiệp, nông dân Tây Nguyên đang chìm trong khó khăn khi những ngành hàng chủ lực bị giảm sâu về giá trị.
Nông nghiệp Tây Nguyên sẽ phát triển trong thời gian tới?
Loạt phóng sự “Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giai đoạn mới” của nhóm tác giả: Dương Đình Tuấn, Vũ Hải Định (CQTT khu vực Tây Nguyên – Đài Tiếng nói Việt Nam) được đánh giá cao tại giải báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019 bởi loạt bài đã phản ánh được những tồn đọng cũng như tìm ra được hướng phát triển khả quan cho nông nghiệp Tây Nguyên.
Chọn góc nhìn nhiều tương phản
Những năm gần đây, nông nghiệp, nông dân Tây Nguyên đang chìm trong khó khăn khi những ngành hàng chủ lực bị giảm sâu về giá trị. Là vùng cà phê robusta và hồ tiêu lớn nhất cả nước, thậm chí đứng nhất, nhì thế giới về năng suất và sản lượng, nhưng những sản phẩm nông nghiệp chủ lực không còn giúp được nông dân nâng cao đời sống. Cách làm nông ăn xổi cuốn theo vòng luẩn quẩn trồng – chặt… khiến hàng loạt nông dân phá sản, nợ xấu ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là vấn đề mà những nhà báo của Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên lúc nào cũng ưu tư.
“Điều khiến chúng tôi tâm đắc khi thực hiện loạt bài là đã thực sự thấy được động lực của phát triển, không chỉ có thể thúc đẩy nông nghiệp hay kinh tế đi đến thành công, cạnh tranh thắng lợi, mà ở cả các lĩnh vực khác. Đó chính là văn hóa – tinh thần”
Nhà báo Dương Đình Tuấn
Họ đã tận mắt nhìn thấy những chuyến xe bốc chở trụ tiêu ở vùng đất thủ phủ hồ tiêu số 1 Tây Nguyên là Chư Pứh-Chư Sê, tỉnh Gia Lai ngày càng tăng nhanh. Nhưng đó không phải là nụ cười mà là nước mắt của nông dân. Một héc ta trụ tiêu bằng xi măng, cần đầu tư 300 triệu đồng, nay tiêu chết, dân phải nhổ trụ bán cho người xứ khác làm cọc rào, được 60 – 70 triệu đồng. Hình ảnh ấy như lời tuyên cáo những tỷ phú nông dân ở đây chính thức phá sản. Tỷ phú còn phá sản thì những nông hộ khác càng ngập trong nợ nần. bất cập của nông nghiệp Tây Nguyên rất dễ nhìn thấy nhưng làm sao cô đọng được bản chất của vấn đề thì không phải là dễ.
Nhiều nhà báo đã tiếp cận ở các góc độ khác nhau, thời điểm khác nhau cho thấy tính chất của vấn đề khác nhau. Có năm, khủng hoảng xảy ra với cà phê, có năm với cao su và năm khác là với hồ tiêu… Hoặc rải rác với cây điều, cây ngô, cây mía, cây sắn… Đã có rất nhiều bài báo hay về các đợt khủng hoảng này.
“Nếu chỉ sử dụng nghiệp vụ báo chí, loạt bài này sẽ rất bi quan. Để không rơi vào bi quan, thì phải đứng ở vị trí của người làm chính trị, phải nghiên cứu nghị quyết của Đảng”.
Nhà báo Vũ Hải Định
Riêng năm 2019 thì hầu hết các nông sản chính của Tây Nguyên đều trong cảnh khốn đốn, nông dân nợ nần chồng chất, khó khăn hơn bao giờ hết, nhà báo Dương Đình Tuấn, Vũ Hải Định nhận thấy, đây là thời điểm rất phù hợp để “vẽ” một bức tranh có chiều sâu về gốc rễ bất ổn của nông nghiệp Tây Nguyên. Và để thể hiện rõ nhất cái bất ổn ấy, hai nhà báo đã tiếp cận từ ngôi vị số 1 thế giới của ngành hàng cà phê – hồ tiêu và vực thẳm vay nợ mà nông dân phải chịu đựng.
Nhà báo Đình Tuấn khiếm tốn cho rằng, cùng vấn đề mà rất nhiều phóng viên thấy rõ, nhưng do chọn thời điểm viết phù hợp, chọn góc viết nhiều tương phản, nên vấn đề làm nông ăn xổi đã được chuyển tải hiệu quả và ấn tượng trong loạt phóng sự “Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giai đoạn mới”.
Đứng ở vị trí người làm chính trị
Những vấn đề mà loạt bài đề cập như: Nông nghiệp Tây Nguyên: phá sản trên ngôi vị số 1, Vì sao “Nhà nông” không theo “Nhà nước”? Khi doanh nghiệp làm nông như làm xiếc… không phải được viết ra chỉ trong một chuyến công tác mà được hai nhà báo quan sát, trăn trở, ghi lại trong một thời gian khá dài. Nhà báo Hải Định chia sẻ: “Khi doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên, vừa là nhà báo vừa là công dân của Tây Nguyên, chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư thắng lợi rực rỡ trên vùng đất Măng Đen, tương xứng với tiềm năng của vùng đất này. Vì vậy khi thấy các dự án bị bỏ bê, Măng Đen có dấu hiệu bị phá nát, chúng tôi phải lên tiếng. Chúng tôi gặp các nhà đầu tư hỏi rõ ngọn ngành về những thuận lợi và khó khăn mà họ gặp phải. Thế nhưng, đa số chủ đầu tư đều “ẩn nấp”, không muốn gặp chúng tôi. Khi cần gặp cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường và thu hút đầu tư họ cũng né tránh, trì hoãn cung cấp thông tin. Thế nhưng chúng tôi vẫn kiên nhẫn để vượt qua những khó khăn, bất lợi đó”.
Theo nhà báo Đình Tuấn, khi viết xong 3 bài đầu, anh nhiều lần phát khóc vì không thấy cơ hội nào cho nông dân, nông nghiệp Tây Nguyên. Nếu để tự nông dân thì chắc chắn không đủ sức. Đại đa số họ vẫn sẽ luẩn quẩn, bắt chước, giật gấu vá vai. Trông đợi doanh nghiệp (DN), nhưng DN lớn có nghìn tỷ đầu tư vào các dự án nông nghiệp thì cũng thua lỗ do cách làm chẳng khác nông dân. DN nhỏ hơn thì đa phần chỉ “hớt mỡ nổi” rồi bỏ cuộc; số DN còn lại gần như chỉ thuần túy tranh giành, trục lợi dự án… Nhà nước thì cùng lắm hỗ trợ khi thiên tai, mất mùa… Thấy anh trăn trở, nhà báo Hải Định có nói: “Nếu chỉ sử dụng nghiệp vụ báo chí, loạt bài này sẽ rất bi quan. Để không rơi vào bi quan, thì phải đứng ở vị trí của người làm chính trị, phải nghiên cứu nghị quyết của Đảng”.
“Vậy là chúng tôi vừa cùng xem lại các thông tin về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp-nông dân-nông thôn, và đọc kỹ lại nghị quyết này. Cùng với đó là sàng lọc những điển hình nông nghiệp thành công bền vững ở Tây Nguyên. May mắn là cùng thời điểm ấy có sự kiện Diễn đàn kinh tế tư nhân được tổ chức tại Hà Nội. Chúng tôi theo dõi, rồi khớp nối để thành bài 4 của loạt bài: “Đề cao văn hóa nông nghiệp – khích lệ tinh thần doanh nhân”.
Đề cao văn hóa trong đời sống xã hội
tục ngữ Việt Nam có câu “Thật thà là cha quỷ quái”, nghĩa là rất đề cao văn hóa trong đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh. Nhưng điều này bị nhiều người bỏ qua khi chạy theo cơ chế thị trường.
Nhà báo Đình Tuấn cho rằng, đề cao văn hóa nông nghiệp, tinh thần doanh nhân thực chất là trở lại với đường ngay lối thẳng, điều đã được khẳng định từ lâu và được nêu thành nghị quyết. “Đến nay, chúng tôi thấy các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp đều giương cao lý tưởng này. Chính quyền các địa phương, khi hỗ trợ các hợp tác xã và DNnông nghiệp mới, cũng đòi hỏi cam kết về sự minh bạch, sẵn sàng chia sẻ và tham vọng vươn tới, là những góc độ của văn hóa, tinh thần mà loạt bài đề cập. Điều khiến chúng tôi tâm đắc khi thực hiện loạt bài là đã thực sự thấy được động lực của phát triển, không chỉ có thể thúc đẩy nông nghiệp hay kinh tế đi đến thành công, cạnh tranh thắng lợi, mà ở cả các lĩnh vực khác. Đó chính là văn hóa-tinh thần. Riêng nông nghiệp, nhiều chông gai từ mọi hướng, tác động to lớn đến xã hội và môi trường, yêu cầu văn hóa càng cao, yêu cầu tinh thần càng phải mạnh mẽ. “Đánh quả”, “ăn xổi” trong nông nghiệp, nhất định không tạo nên thắng lợi được” – nhà báo Đình Tuấn lý giải.
Và văn hóa ở loạt bài không trừu tượng, chung chung, mà có góc tiếp cận dễ hiểu, đó là bắt đầu từ “chân thành”. Chân thành với đất đai, môi trường, với nghề nông và chân thành với nhau trong hợp tác liên kết. “Đến nay, khi chúng tôi theo dõi các diễn đàn, các câu lạc bộ nông nghiệp trên khắp cả nước, thấy đa số đã coi văn hóa nông nghiệp – tinh thần doanh nhân là thứ cần phải xây dựng để chinh phục thành công bền vững. Ở Tây Nguyên, chúng tôi cũng tìm thấy sự đồng điệu, khi có DN thực sự xác định văn hóa trong nông nghiệp và tinh thần dấn thân mạnh mẽ của các doanh nhân là chìa khóa thành công, và thực sự họ cũng đang giành những kết quả rất đáng khích lệ” – nhà báo Đình Tuấn bổ sung.
Khi loạt bài được phát sóng, người dân Tây Nguyên và DN đều đánh giá cao. Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ NN&PTNT làm rõ và Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các tỉnh nghiên cứu vấn đề nêu trong loạt bài. “Và thực tế, Luật Quy hoạch đang được triển khai xây dựng theo hướng thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Nhiều DN nông nghiệp đã bước đầu đánh giá đúng về động lực văn hóa-tinh thần và có chiến lược hành động phù hợp” – nhà báo Hải Định khẳng định