Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại nên năm nay việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà được đánh giá là thuận lợi nhất từ trước tới nay.
Năm nay, sản lượng vải chính vụ của Thanh Hà tăng khoảng 7.000 tấn so với năm ngoái. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Văn Dĩnh ở thôn 4, xã Thanh Xá đã bán hơn 1 tấn vải thiều với giá cao
Xem Video: Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu
Những ngày này về huyện Thanh Hà, hiếm lắm mới tìm được vườn vải còn quả để mua. Vải thiều đã vào cuối vụ, vườn nào còn vải thì cũng đã có người đặt mua.
Giá cao ổn định
Gia đình ông Nguyễn Văn Dĩnh ở thôn 4, xã Thanh Xá trồng hơn 1 mẫu vải thiều. Hiện hơn 1 tấn vải đã bán hết, còn gần 1 tấn nữa sang tuần sẽ thu hoạch xong. Vải thiều của gia đình ông Dĩnh được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nên quả to, mọng, mã sáng, tươi nên đắt khách ngay từ đầu vụ. Giá vải bán ổn định ở mức cao từ 37.000-40.000 đồng/kg. So với nhiều hộ trong xã, gia đình ông Dĩnh là một trong những hộ giữ được nhiều vải đến khi thu hoạch.
Theo ông Cao Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá, năm nay sản lượng vải của địa phương đạt khoảng 300 tấn, giảm gần 500 tấn so với năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết thất thường, vải đậu quả kém. Vừa qua do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài nên nhiều diện tích vải bị cháy vỏ, nứt quả, rụng hỏng. Hơn nữa, vải lại ra hoa đậu quả nhiều lần, cho thu hoạch rải vụ chứ không dồn dập như những năm trước. Nhưng bù lại giá bán vải luôn ở mức cao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy hiện có 8 sào vải thiều trong vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản. Do vải đã chín mà chuyên gia người Nhật còn bị cách ly vì dịch Coѵīd-19 nên người dân đã bán vải cho một số doanh nghiệp và các đơn hàng lẻ làm quà biếu. Hiện vải trong vườn nhà ông đã có người đặt mua gần hết. Ông Cường nói: “Năm nay rất nhàn là thương lái đến tận vườn thu mua chứ không phải mang ra đường như những năm trước. Vải hái đến đâu bán hết đến đó và giữ được mức giá khá cao, bình quân được 30.000 đồng/kg”.
Thời điểm này, những cây đã cho thu hoạch quả, nông dân Thanh Hà dọn vườn, cắt tỉa cành, chăm sóc ngay để cây vải lấy lại sức, phát triển cho mùa mới.
Năm nay, huyện Thanh Hà có hơn 2.000 ha vải thiều chính vụ. Đến nay vải đã cơ bản cho thu hoạch xong, chỉ còn khoảng 10% số vải chín rải rác sẽ cho thu hoạch nốt vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Theo đánh giá chung từ các cơ quan chuyên môn, năm nay vải thiều chính vụ Thanh Hà được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính nên bảo đảm chất lượng.
Vải thiều Thanh Hà đã vào cuối vụ nhưng nhu cầu tiêu dùng của thị trường vẫn nhiều
Xuất khẩu thuận lợi
Theo đại diện Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Thanh Hà, đây là năm xuất khẩu, tiêu thụ vải thuận lợi nhất từ trước đến nay. Ngay từ đầu vụ vải, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải thiều Thanh Hà; mời gọi, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước về địa phương tiêu thụ vải thiều. Nhiều đơn vị đã đến thu mua vải tận vườn. Nhiều tỉnh, thành phố liên hệ đặt mua vải làm quà biếu.
Năm nay, sản lượng vải chính vụ đạt khoảng 9.000 tấn, tăng khoảng 7.000 tấn so với vụ vải năm ngoái. Vải thiều chính vụ tiêu thụ chủ yếu trong nước, chỉ có khoảng 15% được xuất khẩu sang Trung Quốc, khoảng 5% xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Canada, Singapore. Vải thiều Thanh Hà còn được bán chạy ở hệ thống siêu thị trong nước như BigC, Big Green, Bác Tôm, Intimex.
Theo cơ quan chuyên môn, lượng vải xuất khẩu bảo đảm chất lượng và được khách hàng ở các nước đánh giá cao. Ước tính năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 2.000tấn vải thiều tươi đi các thị trường Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore, Canada…, cao hơn gấp nhiều lần so với những năm trước.
Anh Lê Văn Khởi, Giám đốc Công ty TNHH Khởi Huệ (Thanh Hà) cho biết từ đầu vụ vải thiều chính vụ, công ty đã thu mua 372 tấn vải, trong đó đã xuất khẩu 70 tấn sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ trong nước. “Năm nay thị trường tiêu thụ vải rất thuận lợi, nhanh chóng. Lúc đầu chúng tôi rất lo lắng vì dịch Coѵīd-19 có thể ảnh hưởng đến việc buôn bán vải, nhưng đến thời điểm này thì tiêu thụ nhanh bất ngờ, không có vải mà bán, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường vẫn nhiều”, anh Khởi nói.
Nét mới trong tiêu thụ vải năm nay là các doanh nghiệp, đơn vị ký thu mua trực tiếp đến từng nhóm hộ gia đình thông qua sự giới thiệu của các cơ quan chức năng. Nhiều gia đình thu hàng trăm triệu đồng từ cây vải. Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết năm nay người trồng vải của huyện chủ động thu hoạch và tiêu thụ vải hơn mọi năm. Chính quyền địa phương đã kết nối doanh nghiệp về gần với nông dân hơn nên việc mua bán vải diễn ra thuận lợi.