Thời điểm nắng nóng gần đây, tiền điện sinh hoạt của nhiều hộ dân ghi nhận tăng gấp đôi, thậm chí cá biệt có trường hợp tăng gấp 4-5 lần so với thông thường.
ảnh minh họa
Gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) mỗi tháng trung bình dùng hết 400.000 đồng tiền điện. Thậm chí, trong kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 và tháng 5, mỗi tháng gia đình anh chỉ hết khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, trong kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6, con số này nhảy vọt lên tới hơn 800.000 đồng, gấp 4 lần 2 tháng trước đó và gấp đôi so với mức trung bình thông thường.
Khá bức xúc trước việc tiền điện vọt tăng, anh Phúc cho hay: Gia đình có 2 vợ chồng, chủ yếu dùng các thiết bị điện thiếu yếu như điều hòa, máy lạnh, bếp từ, nồi cơm điện… Điều hòa cũng chủ yếu chỉ dùng 1 cái.
Nhu cầu sử dụng điện những tháng gần đây của gia đình không có thay đổi lớn mà tiền điện lại có sự nhảy vọt bất thường. Anh Phúc cảm thấy khá khó lý giải và nghi ngờ độ chính xác của công tơ điện, tính minh bạch trong quá trình ghi số điện.
Tương tự câu chuyện của gia đình anh Phúc, gia đình chị Nguyễn H.V (Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) cũng đang cảm thấy khá bức xúc, khó hiểu khi hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng cao bất thường ở mức 3,8 triệu đồng.
Trong khi đó, trong kỳ hóa đơn tháng 5, con số gia đình chị phải trả cho tiền điện chỉ ở mức 2,5 triệu đồng. Chị H.V cho hay: “Gia đình vẫn sử dụng điện như bình thường, không có gì tăng đột biến mà tiền điện lại tăng lên đáng kể. Rõ ràng cả tháng 5 và tháng 6, người dân đều được hưởng chương trình hỗ trợ giảm giá điện do ảnh hưởng của dịch Coѵīd-19 mà số tiền phải trả vẫn nhảy múa như vậy”.
Bên cạnh những hộ gia đình ghi nhận tiền điện tăng đột biến trong kỳ hóa đơn tháng 6, cũng có những hộ gia đình cảm thấy việc tiền điện phải trả tăng lên là điều khá bình thường do nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Anh Nguyễn Đức Quang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Tiền điện của gia đình anh trong kỳ hóa đơn tháng 5 khoảng hơn 1 triệu đồng. Bước sáng tháng 6, hóa đơn tiền điện cũng chỉ tăng lên một chút, ở mức hơn 1,2 triệu đồng.
“Gia đình tôi sử dụng khá nhiều thiết bị điện từ điều hòa (3 chiếc), máy lạnh, bếp từ, nồi cơm điện, ấm siêu tốc, thậm chí cả bình nóng lạnh thi thoảng cũng vẫn được sử dụng… Mùa hè nóng bức, trừ thời điểm ban ngày bố mẹ đi làm, con đi học, buổi tối cả gia đình hầu như sử dụng điều hòa liên tục nên việc tiền điện có tăng lên phần nào cũng là điều bình thường”, anh Quang nói.
Đề cập tới vấn đề tiền điện tăng cao, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi vào mùa khô ở miền Nam, mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.
Số liệu thống kê cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.
Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Một điều rất dễ nhận ra là chỉ với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng lên nhiều và kèm theo đó là chi phí sử dụng điện cũng tăng theo. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh và chỉ sử dụng quạt làm mát thì chi phí này thay đổi không nhiều.
Về độ chính xác của điện kế (công tơ) và cách ghi chỉ số điện, EVN nêu rõ: Các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019. Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.
Hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.
Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ.
EVN đưa ra tính toán, một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Coѵīd-19). Nếu sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng – tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng – tăng 138,87% so với tháng 4.