Thực hư cuộc đua AI Mỹ – Trung

Nỗ lực phát triển AI của Mỹ và Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ, không hoàn toàn chia rẽ và đối đầu nhau như nhiều người vẫn tưởng.

AI là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh và ngày càng quan trọng trong nhiều mặt cuộc sống. Năng lực về AI của một quốc gia có thể cho thấy cách cư dân sống và làm việc, cũng như sức mạnh kinh tế và quân sự trong tương lai.

“Cuộc chạy đua vũ trang về AI” giữa Mỹ và Trung Quốc là đề tài được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhất là khi hai nước đang căng thẳng về hàng loạt lĩnh vực. Các dòng tít giật gân thường cho rằng Trung Quốc có thể giành lợi thế dẫn đầu về nghiên cứu và ứng dụng AI nhờ các kế hoạch quốc gia và hàng tỷ USD đầu tư, trong khi Mỹ lại tập trung vào phát triển khu vực tư nhân.

Đối đầu Mỹ - Trung trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ảnh: Economist.

Đối đầu Mỹ – Trung trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ảnh: Economist.

Thực tế, hai quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào nhau suốt nhiều năm qua. AI là lĩnh vực thu hút nhiều nguồn đầu tư và chú ý từ các tập đoàn công nghệ lớn ở hai bờ Thái Bình Dương, gồm Apple, Google và Facebook ở Mỹ, trong khi Trung Quốc có SenseTime, Megvii và YITU Technology.

“Đề tài ‘chạy đua vũ trang’ bị lạm dụng quá mức và không phản ứng tình hình trong thế giới AI. Khi nhìn vào những yếu tố như nghiên cứu, nhân lực và liên kết doanh nghiệp, bạn có thể thấy hệ sinh thái AI của Mỹ và Trung Quốc kết nối chặt chẽ với nhau”, Jeffrey Ding, chuyên gia thuộc Trung tâm Quản lý AI thuộc Viện Tương lai Nhân loại của Đại học Oxford, Anh, cho hay.

Tuy nhiên, căng thẳng chính trị và đại dịch Covid-19 đã khiến hai nước ngày càng chia rẽ, gây ảnh hưởng tới phát triển công nghệ AI và phân chia sức mạnh toàn cầu trong những năm tới.

“Các công nghệ mới này sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong 3 đến 5 năm tới. Những người phát triển và điều khiển chúng sẽ kiểm soát một phần thế giới. Đó là điều không thể phớt lờ”, George Stieler, Giám đốc công ty tư vấn Stieler nêu quan điểm.

Khởi nguồn cuộc đua vũ trang AI Mỹ – Trung

Quá trình đẩy mạnh đầu tư cho AI của Trung Quốc bắt đầu với nhiều cột mốc từ cách đây khoảng 4 năm.

Khởi đầu là vào tháng 3/2016 khi AlphaGo của DeepMind đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Sedol. Trận đấu được trình chiếu khắp Trung Quốc và thu hút nhiều chú ý. Nó làm nổi bật tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, đồng thời cho thấy AI có thể phát huy tác dụng trong chiến tranh, nhất là khi nhiều chiến thuật và chiến lược quân sự có nét tương đồng với cờ vây.

7 tháng sau, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố ba báo cáo về AI trong tương lai, đề ra kế hoạch chiến lược quốc gia và mô tả ảnh hưởng tiềm tàng đến kinh tế. Nhiều nhà hoạch định chính sách Trung Quốc coi đó là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang dẫn trước về chiến lược AI so với dự đoán.

Chính phủ Trung Quốc tháng 7/2017 công bố kế hoạch phát triển nhằm đưa nước này lên vị trí dẫn đầu ngành AI trước năm 2030, trong đó đầu tư hàng tỷ USD cho các startup và cơ sở nghiên cứu.

“Trung Quốc đã chứng kiến ngành công nghiệp công nghệ thông tin khởi nguồn từ Mỹ và mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới nhờ hàng loạt phát kiến từ Thung lũng Silicon. Nền kinh tế dựa hoàn toàn vào năng lực sản xuất thúc đẩy Trung Quốc đa dạng hóa ngành nghề, mang tới nhiều phương án sáng tạo để phô diễn sức mạnh trước thế giới. AI là phương án hợp lý”, Lian Jye Su, nhà phân tích thuộc công tư tư vấn thị trường ABI Research, nêu quan điểm.

Bất chấp sự cạnh tranh, Mỹ và Trung Quốc đã phối hợp với nhau từ lâu. Trung Quốc có lượng dữ liệu lớn và quy định quản lý khá mềm, cho phép thử nghiệm AI nhanh hơn. Tuy nhiên, họ vẫn dựa vào ngành bán dẫn và phần mềm mã nguồn mở của Mỹ để vận hành AI và thuật toán học máy.

Trong khi Mỹ vẫn giữ lợi thế về chất lượng nghiên cứu và nhân tài ở các cơ sở đào tạo, nhiều dự án AI ở những trường như Stanford và MIT đã thu hút nhiều sinh viên Trung Quốc. Nhiều tiến bộ đột phá trong ngành AI của Mỹ lại bắt nguồn từ những bộ não Trung Quốc.

Ảnh hưởng từ Covid-19

Nỗi lo lắng của Trung Quốc về kế hoạch AI của Mỹ không thực sự trở thành hiện thực. Tháng 2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sắc lệnh Sáng kiến AI Mỹ (AAI), kêu gọi lãnh đạo các cơ quan chính phủ ưu tiên nghiên cứu và phát triển AI trong ngân sách năm 2020. Tài liệu này không cung cấp thêm nguồn tiền hay chi tiết về cách thực thi biện pháp trên, cũng không có nhiều diễn biến ở cấp liên bang kể từ đó.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực AI với những công ty như SenseTime, Megvii và YITU Technology thu hút được hàng tỷ USD đầu tư. Dù vậy, nguồn tiền cho các chương trình này cũng sụt giảm vào năm 2019 khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường Trung Quốc.

Đến tháng 1/2020, chính quyền Trump ngăn cản các công ty Mỹ xuất khẩu một số phần mềm AI nhằm giới hạn khả năng Trung Quốc tiếp cận công nghệ.

Vài tuần sau đó, Trung Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên do Covid-19. Nước này đã sử dụng nhiều loại AI và công cụ dữ liệu lớn để đối phó nCoV, hỗ trợ truy dấu tiếp xúc, chẩn đoán và thực thi cách biệt cộng đồng.

Bác sĩ kiểm tra ảnh chụp cắt lớp tại bệnh viện ở Vũ Hán hồi tháng 2. Ảnh: Xinhua.

Bác sĩ kiểm tra ảnh chụp cắt lớp tại bệnh viện ở Vũ Hán hồi tháng 2. Ảnh: Xinhua.

Mỹ và nhiều quốc gia cũng trông chờ vào những công nghệ tương đồng, cùng với đó là lo ngại về quyền riêng tư và an ninh, trong lúc tìm cách kiểm soát bệnh dịch, theo Elsa Kania, chuyên gia về sáng tạo quốc phòng và công nghệ mới nổi của Trung Quốc.

“Cách Trung Quốc dùng AI đối phó nCoV vừa tạo cảm hứng vừa đáng báo động. Mỹ cần nghiên cứu và học hỏi mô hình đó nhằm giải quyết những thách thức hiện nay, cả về cách áp dụng và những điều chúng ta nên tránh”, Kania nói thêm.

Đại dịch Covid-19 có thể là bước ngoặt thúc đẩy Mỹ nhìn nhận mối đe dọa từ quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc. Ảnh hưởng trước mắt sẽ xảy đến với những lĩnh vực gồm dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế, nhưng nó cũng sẽ tác động đến AI khi công nghệ này liên quan đến nhiều ứng dụng trong cuộc sống.

Tăng tốc chia rẽ

Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của nCoV, đầu tư AI toàn cầu dự đoán sẽ tăng lên 25 tỷ USD vào năm nay, so với 22,6 tỷ USD năm ngoái. Tác động lớn nhất có thể là sự tách rời Mỹ – Trung sẽ tăng tốc trong ngành AI và nhiều lĩnh vực khác, theo chuyên gia Kania.

“Mỹ vẫn nắm lợi thế về bán dẫn và chip AI, nhưng chính phủ Trung Quốc đang giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài giữa chiến tranh thương mại, phát triển nhiều startup nội địa và ứng dụng nhiều giải pháp mã nguồn mở hơn”, nhà phân tích Su nói.

Các tập đoàn như Alibaba đang dùng mô hình tính toán mã nguồn mở để phát triển chip cho các trung tâm dữ liệu của họ. Những startup về chipset như Cambricon Technologies, Horizon Robotics và Suiyuan Technology cũng thâm nhập thị trường từ nhiều năm nay và đang thu được nhiều nguồn vốn đầu tư.

Dù vậy, sự tách rời hoàn toàn sẽ khó xảy ra trong tương lai gần. Một trong những vấn đề với đề tài “chạy đua vũ trang AI” là nhiều nền tảng cơ bản, thuật toán và cả cơ sở dữ liệu đều là mã nguồn mở. Phần lớn nhà phát triển AI ở Trung Quốc đang dùng Google TensorFlow hoặc Facebook PyTorch, có ít động lực để họ lựa chọn những giải pháp nội địa khi không thiếu vắng mạng lưới rộng như của Mỹ.

Mỹ vẫn là siêu cường AI hàng đầu thế giới hiện nay, nhưng chiến tranh thương mại có thể gây hại cho các công ty Mỹ nhiều hơn dự đoán.

“Một số chính sách và giới hạn dường như không xét đến tác dụng phụ, bao gồm thiệt hại ngoài ý muốn cho các công ty Mỹ, giảm lợi thế của Mỹ và tạo ra nhiều hệ sinh thái chia rẽ hơn. Áp đặt trừng phạt những công ty Trung Quốc sẽ gây rối loại, đồng thời thúc đẩy họ tăng tốc đầu tư và phát triển nội địa về dài hạn”, Kania cảnh báo.

“Rõ ràng đang có cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đó mở rộng ra nhiều công nghệ mới nổi như AI, cũng như tác động tới kinh tế và quân sự trong tương lai, nhưng ‘chạy đua vũ trang’ không phải cách so sánh chuẩn nhất”, Su nêu quan điểm.

Đip Anh (theo Cnet)

Nguồn bài viết

Bài trướcĐam mê chơi lan đột biến, chàng trai Vĩnh Phúc có thu nhập khủng 1 tỷ 1 năm khiến nhiều người ngưỡng mộ
Bài tiếp theoHà Nội chuẩn bị có cầu Tứ Liên