Theo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp (KKT, KCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 KCN với tổng diện tích quy hoạch 3.050ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 2.000ha, diện tích đất công nghiệp đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 326ha, diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê theo quy hoạch là 1.660ha (trong đó có 235,7ha đã đầu tư hạ tầng).
Một góc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Xem Video: Nhiều dự án du lịch lớn được đầu tư tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô
XEM VIDEO CLIP: RsURJNbfYoA
Hiện một số KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng nhưng đã thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp, như khu tiểu thủ công nghiệp thuộc KCN La Sơn (huyện Phú Lộc) KCN Phú Đa (huyện Phú Vang) Khu A KCN Phong Điền (huyện Phong Điền).
Với thực trạng của các KCN này, việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN rất khó khăn do diện tích đất còn lại ít, đầu tư không hiệu quả. Vì vậy, BQL kiến nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương với các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, khi cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp đầu tư dự án sản xuất công nghiệp.
BQL cũng đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương tất cả các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN phải đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch trong năm 2021; trường hợp đến hết năm 2021 nếu các KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung thì không xem xét, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp.
Đồng thời, kiến nghị UBND cấp huyện quan tâm đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Mới đây, tại buổi làm việc với với nhà đầu tư hạ tầng các KKT, KCN trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá, từ đầu năm đến nay, dù ảnh hưởng của dịch Coѵīd-19 nhưng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư trên địa bàn. “Có thể nói rằng thời điểm này là cơ hội vàng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn thế giới đang có xu hướng dịch chuyển địa bàn đầu tư, chuyển hướng vào Việt Nam”, ông Thọ nói.
Các địa phương cần chủ động phối hợp với đơn vị đầu tư hạ tầng để giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng có nhà đầu tư rồi mới loay hoay giải phóng mặt bằng. Chú trọng xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hạng mục PCCC ngoài hàng rào tại các KKT, KCN… tạo diện mạo mới, hấp dẫn hơn cho môi trường đầu tư. Hướng đến xây dựng KKT, KCN xanh, sạch, mang lại giá trị gia tăng cao và phù hợp với đặc thù địa phương.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các KCN cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều dự án mà đánh đổi môi trường; hay thu hút những dự án có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…
Ông Thọ cho hay, cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh cũng dành các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các KKT, KCN nhằm thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KKT, KCN.
Trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực, tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KKT, KCN; chủ động quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng KCN hợp lý; hỗ trợ người dân mất đất khi thực hiện thu hồi đất phục vụ dự án; đào tạo nghề theo yêu cầu của dự án và ưu tiên quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân.