HomeGiáo dụcThu hồi 'Từ điển chính tả tiếng Việt'

Thu hồi ‘Từ điển chính tả tiếng Việt’

Sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” bị thu hồi sau khi độc giả phát hiện sai chính tả.

Bà Hồng Nga – Phó giám đốc Nhà xuất bản Đại Học Quốc gia Hà Nội – cho biết ra quyết định thu hồi sách sau khi trao đổi với tác giả và tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn. Trước đó, hôm 10/6, đơn vị thông báo đình chỉ phát hành sách.

Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành – cho biết Cục yêu cầu nhà xuất bản kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân để rút kinh nghiệm. Ông nói: “Cục sẽ rút kinh nghiệm toàn ngành, yêu cầu các đơn vị làm việc kỹ hơn, có ý kiến của các chuyên gia khi phát hành các loại sách như từ điển”. 

Từ điển chính tả tiếng Việt của PGS.TS Hà Quang Năng (chủ biên) và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương biên soạn, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2017. Mới đây, Hoàng Tuấn Công – tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu – viết bài phản ánh việc ông phát hiện 40 lỗi trong sách như: dằng xé (từ đúng là giằng xé), xung công (sung công), bàn hoàn (bàng hoàng), con chai (con trai), dày trông mai đợi (rày trông mai đợi), dãy nảy (giãy nảy)… Một số độc giả cũng phát hiện lỗi và chia sẻ trên mạng xã hội. 

Những lỗi sai được độc giả chỉ ra trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt. Ảnh: Nhà xuất bản.

Những lỗi sai được độc giả chỉ ra trong cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt”. Ảnh: Nhà xuất bản.

Bà Hồng Nga cho biết khi biên tập sách, nhà xuất bản đã nhìn thấy những từ không chuẩn chính tả. Tuy nhiên, các tác giả khẳng định việc đưa những từ đó vào từ điển là tính toán có chủ ý, nhằm cho thấy việc chuẩn hóa chính tả hiện nay còn nhiều vấn đề nan giải. Bà nói: “Đây là quan điểm khoa học, mục đích của các tác giả khi biên soạn cuốn sách này. Vì vậy, nhà xuất bản tôn trọng quan điểm và giữ nguyên ý đồ”.

PGS.TS Hà Quang Năng cho biết khi biên soạn, nhóm tác giả đã ghi rõ sách cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt, trong đó có cả dạng chuẩn lẫn chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Ông nói: “Chính tả là chuẩn mực hóa ngôn ngữ về mặt văn tự… Nhưng do sự phát triển không đồng đều các tầng chức năng của tiếng Việt hiện nay, các quy tắc chính tả cũng cần phải có những dung sai nhất định trong tham chiếu với các vùng chức năng khác nhau”.

Hiểu Nhân

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img