Ngày 7.1, Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã tổ chức buổi trao đổi với các diễn giả để công bố kết quả ban đầu của các trạm đo chất lượng không khí này và thảo luận những giải pháp tiếp theo.
Việc đặt 13 trạm đo chất lượng không khí này được bắt đầu từ tháng 9.2019 và tất cả kết quả đã được cập nhật vào phần mềm Air Visual để mọi người có thể theo dõi.
|
Cô Hoàng Ngọc, giáo viên ngữ văn và Thu Hương, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng có bài trình bày sau khi quan sát kết quả từ trạm đo chất lượng không khí được đặt tại trường. Cô Hoàng Ngọc cho biết kết quả đo hằng ngày cho thấy chất lượng không khí tại TP.HCM rất đáng báo động. Sau khi theo dõi kết quả, tại trường đã có 2 cô giáo mua 2 máy lọc không khí để sử dụng trong nhà. Sau Tết Nguyên đán, tiếp tục có thêm 3 giáo viên trong trường mua máy lọc không khí.
“Kết quả đo cho thấy chính quyền và người dân cần có nhận thức chính xác hơn nữa về việc ô nhiễm môi trường tại TP.HCM. Mong rằng ô nhiễm không phải là vấn đề của ai đó như nhiều người vẫn nghĩ mà là vấn đề của tất cả chúng ta”, cô Hoàng Ngọc cho biết.
Theo bà Marie C. Damour, bà sinh ra và lớn lên ở TP.Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ) nơi từng có rất nhiều nhà máy thép và từng bị xếp vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất của nước Mỹ. Ở thành phố ô nhiễm đến mức vào ban ngày xe ô tô phải bật đèn để di chuyển trên đường. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí, hiện nay Pittsburgh đã hồi sinh và trở thành một thành phố rất sạch. Đây là kinh nghiệm để TP.HCM giải quyết vấn đề môi trường hiện nay.
Theo đánh giá của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM khi gửi lời mời báo chí tham gia buổi trao đổi về chất lượng không khí thì ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những mối nguy hiểm đáng lo ngại đối với sức khỏe và môi trường ở Việt Nam. Các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao ở trẻ em, nổi bật là bệnh suyễn, bệnh lao, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp, bại não và ung thư. Tuy nhiên, những chỉ số về chất lượng không khí ở TP.HCM đang còn thiếu và chưa phổ biến để nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng, thực hiện nghiên cứu cũng như can thiệp về mặt chính sách.