Thấy gì từ tăng trưởng tín dụng 9 tháng?
Thụy Lê
(TBKTSG) – Tăng trưởng tín dụng chín tháng đầu năm nay thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ của các năm trước, thậm chí còn thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng vốn huy động và tổng phương tiện thanh toán. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp than thiếu vốn thì nguồn tín dụng ngân hàng lại chỉ tăng ì ạch. Vì sao vậy?
Tín dụng 9 tháng tiếp tục xu hướng giảm
Tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vào tín dụng
Với yếu tố mùa vụ, hoạt động tín dụng trong thời gian này cũng khó tăng trưởng mạnh. Ảnh minh họa Thành Hoa. |
Tổng cục Thống kê mới đây công bố số liệu tăng trưởng tín dụng chín tháng đầu năm chỉ đạt 8,4%, khá thấp so với mục tiêu đề ra là 14% cho năm nay và cũng thấp hơn mức tăng 9,52% của cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng chín tháng thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay, khi mà từ năm 2015-2017 đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 10-11% cho giai đoạn chín tháng.
Đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng cũng bất ngờ rớt về mức thấp hơn tăng trưởng huy động vốn là 8,68% và tổng phương tiện thanh toán là 8,44%.
Diễn biến này là bất ngờ khi mà từ cuối tháng 6, nhiều ngân hàng đã được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay do đáp ứng được các tiêu chuẩn về vốn theo Basel II sớm hơn thời hạn. Có thể kể đến như VPBank, Techcombank, ACB, MBBank… được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng thêm 4% cho năm 2019. Lẽ ra các ngân hàng đã phải tăng tốc cho hoạt động tín dụng kể từ thời điểm đó nhưng con số công bố của toàn ngành lại cho diễn biến ngược lại.
Từ thắt chặt cho vay
Dù vậy, nếu nhìn vào những diễn biến gần đây, có thể lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến hoạt động cho vay có xu hướng chậm lại trong quí vừa qua. Đầu tiên, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ngày càng sôi động nhắm vào khách hàng cá nhân đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, nhất là khi nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán hiện nay cũng tích cực phân phối trái phiếu doanh nghiệp phát hành cho các khách hàng của họ.
Đối với lượng trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng nắm giữ, thì từ giữa tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời NHNN cũng yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định.
Thực tế nhìn vào cơ cấu đầu tư của một số ngân hàng, hầu hết những doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ hiện cũng là khách hàng vay nợ của ngân hàng này. Với việc số dư trái phiếu doanh nghiệp cũng được tính vào dư nợ tín dụng theo quy định, thì khi hoạt động này bị thắt lại và kiểm soát chặt chẽ ắt cũng sẽ ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng.
Tiếp đó trong những ngày đầu tháng 9, NHNN lại phát công văn cảnh báo việc các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không đúng quy định như không kiểm tra phương án sử dụng vốn vay cũng như sử dụng tiền mặt để giải ngân. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Vì vậy, không loại trừ khả năng nhiều ngân hàng không chỉ thắt chặt hoạt động cho vay cầm cố sổ tiết kiệm mà còn rà soát và chủ động tất toán các khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm không đúng quy định, ảnh hưởng lên số dư nợ tín dụng.
Đối với hoạt động cho vay ngoại tệ, các khoản vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh theo quy định phải kết thúc chậm nhất vào ngày 30-9-2019. Do đó, không ít khách hàng đã chủ động tất toán dần dư nợ vay ngoại tệ trước thời hạn quy định, nên cũng ảnh hưởng lên tổng dư nợ tại các ngân hàng.
Đến hạn chế về vốn
Một nguyên nhân khác là nguồn vốn của các ngân hàng thời gian qua dường như cũng bị giới hạn khi chỉ còn không đầy ba tháng nữa, một số ngân hàng phải áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn mới (từ đầu năm 2020). Thực tế, một số ngân hàng đã được phép áp dụng từ cuối năm 2018 cho đến sáu tháng đầu năm nay. Điều này có nghĩa là muốn đẩy mạnh cho vay, các ngân hàng phải cân đo đong đếm và nhìn lại nguồn lực vốn hiện nay của mình như thế nào, có đủ để đáp ứng tiêu chuẩn vốn mới.
Trong khi đó, thời gian qua các ngân hàng không ngừng phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, đồng thời tăng mạnh lãi suất tiền gửi, cho thấy áp lực lên nguồn vốn không phải là nhỏ. Đáng lưu ý là chính việc này cũng giúp huy động vốn trong quí 3 tăng cao hơn so với tín dụng, đảo chiều xu hướng của sáu tháng đầu năm nay khi tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn huy động.
Việc NHNN có kế hoạch tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cũng như bổ sung quy định khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên sẽ có hệ số rủi ro tăng mạnh từ 50% lên 150%, cũng ảnh hưởng lên hoạt động cho vay của ngân hàng.
Dù thời điểm áp dụng các quy định mới dự kiến ngay từ đầu năm sau là chưa chính thức, nhưng không ít ngân hàng đã phải chuẩn bị ngay từ lúc này để có thể đáp ứng, do đó không thể đẩy mạnh phát triển tín dụng tùy ý vì lo ngại rơi vào tình trạng thiếu hụt vốn.
Ngoài ra, quí 3 thường cũng không phải là mùa cao điểm cho vay, khi tháng 7 Âm lịch – thời điểm khách hàng hạn chế vay vốn, sản xuất kinh doanh, mua sắm, sửa chữa nhà cửa, cũng rơi vào trong giai đoạn này. Với yếu tố mùa vụ như trên, hoạt động tín dụng trong thời gian này cũng khó tăng trưởng mạnh.
Một điểm tích cực là dù tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng GDP chín tháng đầu năm vẫn đạt mức cao nhất trong chín năm qua, cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng hơn. Thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu nói riêng đã có sự phát triển nhất định, giúp các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào tín dụng.