Tháo gỡ vướng mắc cho dự án hầm Đèo Cả

Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải cập nhật phương án tài chính và tìm phương án hỗ trợ cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Thủ tướng về xử lý các vướng mắc tại dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính,Tư pháp và nhà đầu tư đề xuất phương án xử lý tổng thể cho dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích, trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, các bên cần xác định rõ mức vốn nhà nước tham gia đầu tư, báo cáo Chính phủ trong tháng 8.

Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả gồm 4 công trình hầm xuyên núi trên quốc lộ 1 là hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2. Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 21.613 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 5.048 tỷ đồng, còn lại khoảng 77% là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư.

Khi triển khai, dự án đã phát sinh một loạt yếu tố khách quan, thay đổi về chính sách nên đã ảnh hưởng đến dự án. Đến nay, ba trong bốn hầm đã hoàn thành, hầm Hải Vân dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2020, song các dự án vẫn chưa được Nhà nước hoàn trả 1.180 tỷ đồng như cam kết trong gói 5.048 tỷ đồng. Ngoài ra, cao tốc La Sơn – Túy Loan (Thừa thiên Huế – Đà Nẵng) chưa được thu phí theo hợp đồng đã ký, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

Hầm Đèo Cả nối giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Ảnh: Phương Linh.

Hầm Đèo Cả nối giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Ảnh: Phương Linh.

Tháng 7, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách hỗ trợ dự án này để thực hiện cam kết hợp đồng. Trước mắt, bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung và nguồn dự phòng 10% của kế hoạch trung hạn 2016-2020. Đối với phần còn lại bố trí từ ngân sách năm nay và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải còn kiến nghị Chính phủ cho phép thu phí cao tốc La Sơn – Túy Loan (Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng) để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Giữa tháng 8, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ cũng kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại của các dự án PPP, tập trung thực hiện các cam kết của cơ quan nhà nước, điển hình dự án hầm đường bộ Đèo Cả, cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới.

Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị công tác xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn Luật PPP cần làm rõ quy định về việc chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư; nhà nước cần tham gia đầu tư công một số hạng mục có suất đầu tư lớn như cầu vượt, nút giao tại các vùng có địa hình khó khăn.

Hầm Đèo Cả dài hơn 4 km nối Phú Yên và Khánh Hòa hoàn thành giữa năm 2017, đây là hầm dài thứ hai cả nước sau hầm Hải Vân. Dự án gồm 2 ống hầm song song, cách nhau 30 m được thiết kế 2 lần xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 80 km/h và có thể chịu đựng được động đất cấp 7. Khi đưa vào khai thác, hầm rút ngắn 40 phút so với đi trên Đèo Cả, giảm tai nạn giao thông trên đường bộ qua đèo.

Đoàn Loan