HomeStartupSự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Tranh luận về áo...

Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Tranh luận về áo dài nam nơi công sở | Văn hóa

Nam mặc áo dài đi làm: nên hay không?

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh đưa quan điểm: “Cá nhân tôi thấy, lễ hội mặc áo dài thì được, còn vô công sở hay thường xuyên thì không. Kết hợp truyền thống với hiện đại, mấu chốt là truyền thống vẫn giữ được trong sinh hoạt, người dân vẫn thấy cần, thấy đẹp, tự thân muốn duy trì mà không cần ai cưỡng cầu. Câu chuyện đi giày Tây khi mặc bộ trang phục đó đã nói lên sự bất tiện khi mang guốc truyền thống”.

Bạn đọc QV nhận xét: “Sử dụng cái gì thì cũng phải đúng chỗ và hợp thời. Áo dài nam ngày xưa và bộ đồng phục công sở ngày nay hoàn toàn khác nhau, thời nay là thời gì mà mặc áo dài xưa đến công sở ngồi phòng máy lạnh, ghế xoay, máy vi tính, đi xe hơi…”.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu trả lời Thanh Niên quanh sự kiện này. Ông nói: “Nhiệm vụ của Sở VH – TT Thừa Thiên- Huế là quảng bá văn hóa Huế thì họ mặc là đúng. Các đồng chí lãnh đạo khi tiếp khách quốc tế, khi tổ chức lễ dâng hương mặc áo dài là hợp. Tuy nhiên không phải lúc nào và ở đâu cũng mặc áo dài mà quan trọng là mặc đúng nơi, đúng lúc. Tôi rất thích những bức ảnh các nam công chức mặc áo dài ngũ thân vì rất đẹp. Việc Thừa Thiên – Huế mạnh dạn tổ chức cho cán bộ, công chức ngành văn hóa mặc áo dài nam ngũ thân thể hiện tính sáng tạo, đổi mới”. Ông cũng chia sẻ: “Cá nhân tôi là một người tiên phong quảng bá áo dài nam trong các hoạt động đối ngoại. Với các nhà ngoại giao nữ Việt Nam thì áo dài đã nổi tiếng rồi, ai cũng biết, nhưng đối với nhà ngoại giao nam thì chưa có quy định và thông lệ. Vì thế, nếu áo dài nam được mặc vào các dịp lễ trọng thì nó vừa tạo ra dấu ấn riêng của Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước vừa làm cho người mặc áo dài phải cư xử tốt hơn để thực hiện tốt nhất tính đại diện của Việt Nam”.

Bình luận về nhận định của Đại sứ Phạm Sanh Châu, bạn đọc Khách Lữ viết: “Áo dài nữ và nam của dân tộc mình rất đẹp, đã từng là quốc phục. Bản sắc của áo dài Việt Nam nên phát huy vì nó làm đẹp cho người mặc và người nhìn thấy”.

Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm (Giám đốc NXB Thế giới) đưa quan điểm: “Chúng ta hãy tham khảo cách thức Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bảo tồn di sản trang phục của họ như sườn xám, kimono, hanbok như thế nào. Họ rất biết cách khai thác di sản truyền thống để làm giàu bản sắc của mình, cũng như để biến chúng thành sức mạnh “mềm” xây dựng tiềm lực kinh tế, văn hóa. Thế thì tại sao chúng ta lại “ngúng nguẩy” với áo dài nam truyền thống, bỏ phí một sức mạnh “mềm”? Nó có triệt tiêu cơ hội tồn tại của các loại trang phục khác hay “cướp” quyền tự do cá nhân, gây phiền hà cho ai đó mặc trang phục hiện đại không? Nó có làm nghèo văn hóa Việt không? Rõ ràng là không, mà ngược lại, nó chỉ đóng góp thêm vào sự đa dạng của văn hóa Việt… Nhưng cần lưu tâm tới cân bằng giữa bản sắc và công năng – thẩm mỹ của nó, tránh cách tân thành kiểu áo dài “xa lạ với dân Việt nhưng quen thuộc với người nước khác”, quá ly khai bản sắc Việt”. Và ông nhận xét: “Nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và ngành văn hóa Huế khi có ý tưởng xây dựng “kinh đô áo dài” ở Huế, theo tôi, kế hoạch này có ý nghĩa vì Huế là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là di sản thời Nguyễn, góp phần trọng yếu làm nên cốt cách văn hóa truyền thống Việt Nam”.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc mặc áo dài đến công sở không phù hợp, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, cho biết đơn vị này đang tiếp tục lắng nghe ý kiến dư luận về việc triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức của sở mặc áo dài truyền thống khi đến công sở, trong đó có áo dài ngũ thân dành cho nam giới. Hiện Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế mới thử nghiệm và chỉ mặc áo dài vào ngày thứ hai đầu tuần trong tháng.

Trong khi đó, nghệ nhân-nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, người nổi tiếng phục chế mũ mão vua quan triều Nguyễn đưa ý kiến: “Từ việc công chức Huế mặc áo dài truyền thống nên nghĩ đến lễ phục Việt Nam”.

Trang phục Thái hậu Dương Vân Nga trong Quỳnh Hoa Nhất Dạ sai niên đại lẫn quốc gia?

Quỳnh Hoa Nhất Dạ, phim cổ trang dã sử lấy cảm hứng từ cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga do Thanh Hằng đóng chính, vừa tung bộ ảnh đã gây tranh cãi trong giới cổ phong khi trang phục nữ chính sai cả niên đại lẫn quốc gia. Poster và bộ ảnh về tạo hình đầu tiên của nhân vật chính được giới thiệu, ngay lập tức đã dấy lên làn sóng tranh cãi quanh trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga trong phim với nghi vấn: “Thái hậu triều Đinh – Tiền Lê sử dụng trang phục Mãn Thanh?”. Hàng trăm ý kiến bình luận quanh trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga qua tạo hình của diễn viên Thanh Hằng. Theo đó, “nhìn vào bức ảnh vừa được chia sẻ trên trang Facebook của phim, có thể thấy nữ diễn viên Thanh Hằng đang mặc một dạng thức trang phục quá xa lạ so với người Việt. Rất tiếc khi nói rằng, ê kíp phục trang của Quỳnh Hoa Nhất Dạ đã sử dụng một dạng thức trang phục mang đậm ảnh hưởng của triều đại Mãn Thanh lên một nhân vật sống vào thế kỉ thứ 10. Đây là điều khó chấp nhận”.


Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Tranh luận về áo dài nam nơi công sở - ảnh 1

Áo khoác Thanh Hằng mặc (trái) có kiểu dáng gây tranh cãi khi được cho là ảnh hưởng đậm trang phục Mãn Thanh (phải – ảnh phục dựng)

Trước những ý kiến trái chiều trên, trên fanpage của phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ, nhà sản xuất đã chia sẻ: “Vì thời Đinh – Tiền Lê trong sách sử không có nhiều tư liệu ghi chép nên khó tránh sẽ có một số sai sót”, đồng thời ê kíp Quỳnh Hoa Nhất Dạ bày tỏ trên fanpage: “Ê kíp Quỳnh Hoa Nhất Dạ vô cùng cảm ơn những lời góp ý của các khán giả yêu và đam mê cổ phong, sử Việt để dự án điện ảnh dã sử Quỳnh Hoa Nhất Dạ có thêm động lực hoàn thiện hơn và mang đến cái nhìn chuẩn, đẹp nhất về lịch sử nước mình”.

Sách Toán có bìa hình… nghệ sĩ cải lương!

Những quyển sách Toán lớp 6-7-8-9 đang được chào bán trên mạng lại có ảnh bìa là tượng các nhân vật lịch sử và cả hình… nghệ sĩ cải lương. bộ sách này chỉ là dạng sách tham khảo chứ không phải sách giáo khoa. Và nhiều người cảm thấy khó hiểu khi các bìa sách được giới thiệu kèm bài viết đều không thấy thể hiện gì liên quan đến số học và thoạt nhìn cứ ngỡ đây là sách địa lý hay lịch sử thì phù hợp hơn. Trên bìa quyển Toán 7 và các bài toán thực tế tập 1, Các đề kiểm tra toán thực tế lớp 8 tập 1, Toán và bài toán thực tế 9 là hình ảnh các di tích hoặc tượng đài các nhân vật lịch sử. Riêng quyển Toán và các bài toán thực tế lớp 6 tập 2 lại là hình ảnh của NSND Bạch Tuyết trong vai diễn nổi tiếng Thái hậu Dương Vân Nga.


Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Tranh luận về áo dài nam nơi công sở - ảnh 2

Bìa sách Toán “khó hiểu”

ẢNH CHỤP TỪ FANPAGE GIAODUCSAIGON

Giám đốc Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM Lê Thanh Hà (đơn vị in các cuốn sách kể trên) nói rằng: “Trước khi sử dụng hình ảnh nói trên cho bìa sách, chúng tôi đã cân nhắc kỹ càng từ chính đề xuất của các tác giả biên soạn nội dung. Đây là sách về các bài toán thực tế trong đó là những bài sử dụng chất liệu, đề dẫn là các yếu tố có tính thực tế, từ đó yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức toán để giải quyết, tìm ra đáp án toán học”.

Ông Lê Thanh Hà nói tiếp, những hình ảnh sử dụng như trên bìa là một trong các ví dụ được đề cập trong nội dung của sách. Những hình ảnh này giúp cho bìa sách thêm phong phú, đa dạng, sinh động thay cho những hình ảnh truyền thống là công thức toán trước đây.
Bên cạnh bình luận tán thành của bạn đọc như: “những bài toán mà tích hợp được các yếu tố lịch sử, giáo dục truyền thống, đạo đức thì quả là thú vị”, vẫn có bạn đọc chưa đồng tình trước lý giải của NXB: “Hình ảnh nghệ sĩ cải lương chẳng có liên quan gì đến môn toán cả“ hoặc “lời dẫn trong đề toán khiên cưỡng, ngượng ép“…

Truyền thông Trung Quốc hạn chế đưa tin về bom tấn Hoa Mộc Lan

Hoa Mộc Lan chính thức đổ bộ phòng vé Trung Quốc vào ngày 11.9. Tuy nhiên, Reuters vừa tiết lộ rằng giới chức Trung Quốc đã yêu cầu các phương tiện truyền thông lớn không đưa tin về việc phát hành bộ phim sau loạt tranh cãi. Yêu cầu này được đưa ra sau khi bản live-action mới nhất của hãng phim vấp hàng loạt tranh cãi từ cư dân mạng quốc tế, đặc biệt là khi “bom tấn” 200 triệu USD được quay ở Tân Cương. Hiện Disney chưa lên tiếng trước hàng loạt tranh cãi mà tác phẩm vướng phải suốt thời gian qua, từ phát ngôn chính trị của nữ chính Lưu Diệc Phi đến hành động cảm ơn chính quyền Tân Cương.


Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Tranh luận về áo dài nam nơi công sở - ảnh 3

Lưu Diệc Phi trong phim Hoa Mộc Lan

Khi Hoa Mộc Lan được phát hành trên nền tảng Disney+, nhà hoạt động Joshua Wong đã chia sẻ lại phát ngôn cũ của Lưu Diệc Phi ủng hộ cảnh sát trấn áp người biểu tình ở Hồng Kông và kêu gọi tẩy chay Hoa Mộc Lan. Hashtag #BoycottMulan xuất hiện dày đặc trên Twitter với nhiều bài viết phản đối, chỉ trích Disney, Lưu Diệc Phi cũng như bản live-action này.




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img