HomeCông nghệSpaceX dùng phần mềm tương tự smartphone Android

SpaceX dùng phần mềm tương tự smartphone Android

Những gói phần mềm sử dụng cho tên lửa Falcon, Crew Dragon và vệ tinh Starlink được mô tả là “anh em” với các chương trình có trên PC, smartphone.

Sofian Hnaide, một trong các kỹ sư phần mềm đứng sau giao diện của Crew Dragon – tàu vũ trụ mang hai phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) – cho biết, SpaceX đã sử dụng Chromium cho giao diện màn hình cảm ứng. Hnaide tiết lộ rằng Chromium, nền tảng trình duyệt mã nguồn mở của Google, từng được đề xuất lên Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để làm giao diện cho tàu vũ trụ, nhưng không được đồng ý cho đến khi SpaceX ra đời.

Bob Behnken, trái, và Doug Hurley làm quen với màn hình cảm ứng bên trong tàu vũ trụ SpaceX crew Dragon

Hai phi hành gia Bob Behnken (trái) và Doug Hurley (phải) làm quen với màn hình cảm ứng bên trong tàu vũ trụ Crew Dragon. Ảnh: SpaceX.

“Chúng tôi thích tất cả các tính năng hiện đại của Chromium”, Hnaide nói trong chuyên mục hỏi đáp Ask Me Anything (AMA) của Reddit. “Google đã cấp cho chúng tôi rất nhiều quyền truy cập vào nền tảng trình duyệt”.

Với việc sử dụng Chromium, các chuyên gia của SpaceX có thể viết giao diện cho tàu vũ trụ Crew Dragon chỉ bằng HTML và JavaScript, tương tự hàng triệu website mà con người đang truy cập bằng Chrome cũng như các trình duyệt khác trên thế giới. “Đó là sự khởi đầu cho những thay đổi về phương pháp lập trình thiết bị hàng không vũ trụ. Nó thay cho cách làm truyền thống, vốn chỉ dùng ngôn ngữ cấp thấp hơn”, Wendy Shimata, người quản lý nhóm phần mềm Dragon, viết.

Màn hình cảm ứng và giao diện trực quan giúp phi hành gia có cách tiếp cận theo hướng đơn giản nhưng hiện đại hơn. Bên cạnh màn hình cảm ứng, tàu vũ trụ được trang bị thêm các phím cứng để điều khiển phòng khi gặp trục trặc.

Josh Sulkin, người đứng đầu nhóm thiết kế phần mềm của SpaceX, cho biết, giao diện dựa trên Chromium của tàu sẽ kết nối với phần mềm điều khiển hệ thống viết bằng ngôn ngữ C++, chạy trên máy tính dùng hệ điều hành Linux được tùy biến. Phiên bản Linux này là “anh em họ” với các phiên bản Android hiện nay, nhưng được SpaceX sửa đổi để tương thích với phần cứng mới dành riêng cho tàu vũ trụ.

Hệ điều hành Linux mà SpaceX dùng cho tàu vũ trụ chạy bản cập nhật PREEMPT_RT – một dự án biến Linux thành hệ điều hành thời gian thực, phục vụ các nội dung về AI, IoT, xe hơi… 

Về nguy cơ vệ tinh bị tấn công mạng, Jeff Dexter, người phụ trách chương trình phần mềm và an ninh mạng của SpaceX, khẳng định, các hệ thống gắn trên tàu vũ trụ của họ đều được mã hóa đầu cuối để bảo vệ dữ liệu gửi lên và gửi về. “Chúng tôi có một nhóm chuyên gia, chuyên xác định nguy cơ bị hack hoặc rò rỉ dữ liệu. Những hành động xâm phạm sẽ bị ngăn chặn hoặc loại bỏ ngay khi phát hiện”, Dexter khẳng định.

Starlink là dự án được SpaceX thiết kế với tham vọng cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên phạm vi toàn cầu. Các vệ tinh sẽ quay quanh Trái Đất ở độ cao khoảng 550 km. Mục tiêu cuối cùng của công ty là nâng tổng số thiết bị trên mạng lưới lên khoảng 40.000 chiếc.

Nếu thành công, dự án có thể thu về 30 tỷ USD doanh thu hàng năm cho SpaceX, CEO Elon Musk dự đoán. Công ty có kế hoạch bắt đầu cung cấp dịch vụ cho những khách hàng đầu tiên ở Mỹ và Canada ngay trong năm nay.

Bảo Lâm (theo Cnet)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img