“Soi” danh sách các mã không được cấp “margin”
Đăng Linh
(TBKTSG) – Với danh sách 59 mã không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cấp margin) trong quí 4-2019, tác động tới diễn biến giá các cổ phiếu trong danh sách này có thể sẽ khá phân hóa do tùy thuộc vào mức độ cấp margin của các công ty chứng khoán trên thị trường.
Cuối tuần qua, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã công bố danh sách 59 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quí 4-2019. Trong đó, các mã chứng khoán nằm trong danh sách này chủ yếu thuộc diện cảnh báo như AGR, ATG, CLG; thuộc diện kiểm soát đặc biệt như AGF, CIG; chưa đủ thời gian sáu tháng đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ như BCG hoặc thời gian niêm yết dưới sáu tháng như GAB, GEG… Bên cạnh đó, lý do chứng khoán không được ký quỹ còn có báo cáo tài chính soát xét bán niên không phải ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán như BHN, DQC, GIL, PLX; chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên như DIC… Ngoài ra, còn có trường hợp công ty vi phạm pháp luật về thuế như TRA, VNL hay lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét sáu tháng đầu năm 2019 là số âm như FTM, YEG, TMT, QBS, POM, DCL, MCP.
Trong số các mã cổ phiếu trên, những cái tên đáng chú ý nhất đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể kể đến là BHN, PLX, TRA, YEG, FTM, do đây là những cổ phiếu thuộc nhóm có quy mô vốn hóa lớn hoặc đã trải qua diễn biến “nóng” về giá cổ phiếu trong thời gian gần đây.
Trong số các mã cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quí 4-2019, những cái tên đáng chú ý nhất đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là BHN, PLX, TRA, YEG, FTM, do đây là những cổ phiếu thuộc nhóm có quy mô vốn hóa lớn hoặc đã trải qua diễn biến “nóng” về giá cổ phiếu trong thời gian gần đây. |
Với Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN), kiểm toán viên của Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Nam Việt (AASCN) đưa ra kết luận ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2019 của Habeco: Tổng công ty đã điều chỉnh ghi nhận tăng thu nhập hoạt động tài chính khoản cổ tức được chia từ Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội với giá trị 90 tỉ đồng vào báo cáo tài chính riêng năm 2016 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo kiểm toán nhà nước ngày 6-2-2018. Tuy nhiên, đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính bán niên 2019, AASCN chưa nhận được các quyết định của Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội về việc thực hiện theo kiến nghị trên. Do vậy, trong trường hợp Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội không thực hiện theo kiến nghị trên của Kiểm toán Nhà nước thì các khoản mục phải thu ngắn hạn khác, phải trả ngắn hạn khác (là khoản cổ tức phải trả cổ đông liên quan đến phân phối lợi nhuận từ khoản cổ tức nêu trên) trên bảng cân đối kế toán của Habeco vào đầu năm và cuối kỳ đều sẽ giảm tương ứng.
Với tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), kiểm toán viên Công ty TNHH KPMG đưa ra kết luận ngoại trừ: Tại ngày 30-6-2019, một công ty con của tập đoàn đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền 135 tỉ đồng dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho đến cuối năm 2019. Việc ghi nhận khoản dự phòng hàng tồn kho này chưa phù hợp với các quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam. Nếu tập đoàn ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo các quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam thì tại ngày 30-6, dự phòng giảm giá hàng tồn kho sẽ giảm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và lợi ích cổ đông không kiểm soát sẽ tăng tương ứng 63,7 tỉ đồng và 44,3 tỉ đồng.
Với Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA), việc bị loại khỏi danh mục ký quỹ diễn ra chỉ một ngày sau khi công ty công bố thông tin về việc nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thuế thành phố Hà Nội. Theo quyết định này, TRA bị phạt và truy thu tổng cộng 922 triệu đồng, do công ty đã khai sai dẫn đến tăng số tiền hoàn thuế, thiếu số thuế phải nộp, khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế (không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp) và sử dụng hóa đơn, chứng từ không có giá trị sử dụng để làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, tăng số thuế được hoàn, được miễn giảm. TRA là cổ phiếu thứ 3 bị loại khỏi danh sách được cấp margin do vi phạm quy định về pháp luật thuế kể từ đầu quí 2-2019. Trước đó, cổ phiếu VNL của Công ty cổ phần Logistics Vinalink và SBV của Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam cũng bị loại khỏi danh sách được cấp margin do nguyên nhân tương tự.
Với YEG, đây là một trong hai mã mới được bổ sung thêm vào danh sách cắt margin. Nguyên nhân bởi lợi nhuận sau thuế trên báo cáo soát xét sáu tháng đầu năm 2019 của YEG là số âm. Công ty này thông báo lỗ hơn 102 tỉ đồng trong nửa đầu năm so với mức lãi 94 tỉ đồng cùng kỳ năm 2018. YEG lý giải sự sụt giảm là do tiến hành trích lập dự phòng một số khoản liên quan đến chuyển nhượng vốn đầu tư tại ScaleLab LLC; ngoài ra công ty còn tăng chi phí hoạt động do mở rộng kinh doanh như chuyển đổi trụ sở chính, tuyển dụng thêm nhân sự và một số mảng bị ảnh hưởng sau sự cố với YouTube.
Với FTM, kể từ giữa tháng 8-2019, HOSE đã ra thông báo cổ phiếu này không được giao dịch ký quỹ vì bị thua lỗ. Ngay sau đó, FTM đã có chuỗi nằm “sàn” 26 phiên liên tiếp, mất 85% giá trị từ mức đỉnh 23.650 đồng/cổ phiếu. Việc lao dốc không phanh của FTM khiến cho các nhà đầu tư lẫn các công ty chứng khoán đang sở hữu và cho vay cầm cố cổ phiếu này rơi vào khủng hoảng. Một số công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin và có nguy cơ thiệt hại lớn với cổ phiếu FTM đã có cuộc họp tại Hà Nội. Qua thống kê sơ bộ có 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỉ đồng.
Trở lại với danh sách 59 mã không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quí 4 này, tác động tới diễn biến giá các cổ phiếu trong danh sách này có thể sẽ khá phân hóa do tùy thuộc vào mức độ cấp margin của các công ty chứng khoán trên thị trường. Danh sách từ HOSE chỉ có tính chất “khung tham chiếu” còn việc có cấp margin và cấp với tỷ lệ bao nhiêu đối với từng mã thì mỗi công ty chứng khoán vẫn có quyền quyết định riêng, miễn là đáp ứng yêu cầu tỷ lệ ký quỹ ban đầu không thấp hơn 50% và tỷ lệ ký quỹ duy trì không thấp hơn 30%.
Các sự kiện gần đây liên quan đến đà lao dốc của các cổ phiếu như YEG hay FTM cũng đang đặt ra những yêu cầu sửa đổi và đòi hỏi sự giám sát cao hơn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm đưa ra những cảnh báo kịp thời cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.