Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND TP giao Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – Công ty cổ phần (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án
bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội tại H.Ứng Hòa.
Tuy nhiên, Sở này dẫn nhiều thông tin và cho rằng việc xây dựng sân bay tại H.Ứng Hòa (Hà Nội) có nhiều lợi thế, do đó, kiến nghị UBND TP.Hà Nội xây dựng dự thảo văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án chọn vị trí này.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc dẫn đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, cho biết đã có
nghiên cứu 4 phương án vị trí sân bay thứ 2 cho Hà Nội, gồm: khu vực tỉnh Hà Nam (tại H.Lý Nhân, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 – 65 km); khu vực phía nam Hà Nội (tại H.Ứng Hòa, cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 35 – 40 km); khu vực tỉnh Hải Dương (tại H.Thanh Miện, Bình Giang, khoảng cách đến trung tâm Hà Nội khoảng 45 – 50 km); khu vực TP.Hải Phòng (H.Tiên Lãng, cách trung tâm Hà Nội 120 km).
Sở cũng so sánh với quy hoạch vùng TP.HCM và cho rằng việc đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 cho Hà Nội là cần thiết, đồng thời với việc mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm.
So sánh của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội về Vùng Thủ đô và Vùng TP.HCM
Nguồn: Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội
|
Có nhiều ưu điểm, ít nhược điểm
Đưa ra các tiêu chí ban đầu gồm: có vị trí hợp lý với trung tâm Hà Nội và sân bay Nội Bài (tốt nhất là thời gian tiếp cận đến đô thị hạt nhân dưới 45 – 60 phút); có khả năng tiếp cận giao thông thuận lợi; có quỹ đất để bố trí sân bay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho rằng vùng Ứng Hòa hoàn toàn phù hợp, với các ưu điểm:
Khoảng cách và thời gian tiếp cận đến trung tâm Hà Nội hợp lý, tương tự với sân bay Long Thành về TP.HCM.
Kết nối giao thông thuận lợi thông qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, QL1A hiện có và tiếp giáp đường trục phía Nam (đang thi công); lâu dài sẽ được bổ sung thêm cao tốc Tây Bắc – QL5B (nối đường
Hồ Chí Minh và quốc lộ 5B), các trục đường chính của TP.Hà Nội (đường Đỗ Xá – Quan Sơn, trục Bắc – Nam, đường Ngọc Hồi – Phú Xuyên).
Những ưu thế của việc lựa chọn huyện Ứng Hòa, theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội
|
Có khả năng tiếp cận đồng thời cả 3 loại hình giao thông: đường bộ, đường thủy (cảng Vạn Điểm trên
sông Hồng) và đường sắt (tuyến Hà Nội – TP.HCM, lâu dài sẽ kết nối với đường sắt cao tốc Bắc – Nam).
Thuận lợi để giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển, có khả năng bố trí được sân bay với diện tích khoảng 1.300 ha (tương tự quy mô sân bay Nội Bài với công suất 50 triệu hành khách/năm), trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, ít khu dân cư.
Tạo động lực phát triển mới cho thủ đô, đặc biệt là khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên.
Về nhược điểm, Sở này chỉ nêu ra 1 vấn đề là khu vực đề xuất làm sân bay có tuyến điện 500 kV Thường Tín đi Nho Quan cắt qua.