Sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE năm nay

Ông Phạm Doãn Sơn, CEO LienVietPostBank khẳng định, việc chuyển cổ phiếu từ UPCoM sang HoSE sẽ hoàn tất năm nay, bởi ngân hàng đã tìm được tổ chức tư vấn.

Câu chuyện chuyển cổ phiếu từ hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) sang niêm yết tại HoSE tiếp tục là tâm điểm phiên họp thường niên chiều 25/6 của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Một số cổ đông nhận định ban lãnh đạo ngân hàng cam kết nhiều lần nhưng chưa hoàn thành, là một phần nguyên nhân khiến giá cổ phiếu không bật mạnh.

Chia sẻ với cổ đông, ông Phạm Doãn Sơn – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, kế hoạch chuyển sàn năm trước không thành công do tình hình tài chính chưa tốt. Tuy nhiên, đến nay ban lãnh đạo đã hoàn thiện phương án, lựa chọn đơn vị tư vấn và triển khai theo tiến độ chấp thuận của cơ quan quản lý.

“Chắc chắn năm nay chúng tôi sẽ làm được”, ông Sơn khẳng định và cho rằng việc chuyển cổ phiếu sang giao dịch tại HoSE là cơ hội để cải thiện thị giá. Lãnh đạo ngân hàng đánh giá LPB đang giao dịch tại vùng 9.000 đồng là tương đối thấp, trong khi giá trị thật lên đến 14.000 đồng và không thua kém cổ phiếu các ngân hàng khác.

Ông Phạm Doãn Sơn trả lời chất vấn của cổ đông chiều 25/6. Ảnh: Phương Đông.

Ông Phạm Doãn Sơn trả lời chất vấn của cổ đông chiều 25/6. Ảnh: Phương Đông.

Hội đồng quản trị cũng đề xuất thông qua việc nâng room khối ngoại từ 5% lên tối đa 9,99% để phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Sơn, giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài của LienVietPostBank đang thấp hơn mặt bằng chung của các đơn vị cùng ngành. Việc nới room giúp cổ phiếu tăng tính thanh khoản trong giao dịch, cải thiện khả năng huy động vốn khi cần thiết.

LienVietPostBank cũng dự kiến phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, qua đó nâng vốn điều lệ lên xấp xỉ 10.750 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngân hàng đặt mục tiêu thận trọng với chỉ tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 đạt 156.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.700 tỷ đồng. Việc tham gia giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, tái cơ cấu khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng 300-400 tỷ đồng.

Kết thúc 5 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 830 tỷ đồng. Tổng tài sản vượt 208.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay gần 148.600 tỷ đồng. “Kế hoạch lợi nhuận khả năng đạt được rất lớn. Từ năm sau trở đi, ngân hàng có thể còn tốt hơn”, ông Sơn nói.

Phương Đông

Nguồn bài viết

Bài trướcBkav dùng AI diệt virus
Bài tiếp theo‘Không tăng học phí, chất lượng đào tạo Y dược thụt lùi’