Đi lên từ gian khó
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) thành lập ngày 19/5/1960 với tên gọi ban đầu là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, đơn vị sản xuất gia công nhựa đầu tiên của Việt Nam. Giai đoạn đầu, Nhựa Tiền Phong chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ thiếu niên, nhi đồng với tên gọi gắn liền với nhiều thế hệ.
200 kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân xây dựng đầu tiên đã đặt những viên gạch xây dựng 44 hạng mục lớn nhỏ, 4 phân xưởng chính: Phân xưởng cơ khí, phân xưởng nhựa đúc, phân xưởng nhựa trong, và phân xưởng bóng bàn đồ chơi. Những món đồ chơi đầu tiên dành cho các em nhỏ mang thương hiệu Việt Nam đánh dấu sự khai sinh và phát triển của ngành nhựa trong nước trong những ngày chiến tranh bom đạn. Những công nhân của Nhựa Tiền Phong ngày ấy vừa là nòng cốt lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhà máy và thành phố.
Năm 1990, Nhựa Tiền Phong chuyển hướng sản xuất từ mặt hàng truyền thống sang ống nhựa PVC, từng bước đi vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng trước những yêu cầu đổi mới của nền kinh tế thị trường.
Mạo hiểm để thành công
Tạm dừng sản xuất các mặt hàng truyền thống, chuyển sang sản xuất ống và phụ tùng nhựa là một quyết định táo bạo nhưng đúng đắn, giải quyết được khó khăn của một thời kỳ không tự quyết định được đầu ra với những đơn hàng thời vụ không còn hiệu quả của Nhựa Tiền Phong, đại diện công ty nhớ lại. Lúc đó, Nhựa Tiền Phong phải đối mặt với thử thách tồn tại hoặc biến mất trước sức ép cạnh tranh của thời kỳ đổi mới, với khó khăn từ thiếu nguyên liệu, thiếu công nghệ kỹ thuật, thiết bị máy móc, thiếu chuyên môn nghiệp vụ…
Năm 2004, sau 44 năm phát triển, Nhựa Tiền Phong chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, ghi tên mình trong những công trình xây dựng lớn, những công trình thủy lợi quốc gia.
Nhựa Tiền Phong đẩy mạnh đầu tư công nghệ, dây chuyền, hợp tác với đối tác hàng đầu thế giới trong ngành ống nhựa xây dựng như Tập đoàn Sekisui (Nhật Bản), Tập đoàn Iplex (New Zealand) để cải tiến sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mới hướng tới sự tiện lợi và tối đa giá trị sử dụng cho người dùng.
Bên cạnh đổi mới, đầu tư công nghệ, lãnh đạo công ty cũng luôn xác định chiến lược quan trọng trong phát triển doanh nghiệp chính là nguồn nhân lực. Doanh nghiệp này ưu tiên công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về khoa học, kỹ thuật… cho cán bộ, công nhân viên của công ty.
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, bên cạnh tệp khách hàng truyền thống, ba nhóm khách hàng trong các lĩnh vực: Công trình giao thông, công trình điện và ngành thủy sản là ba trục kinh doanh mới và chủ lực của Nhựa Tiền Phong.
Cơ hội và thách thức luôn hiện hữu, nhưng Nhựa Tiền Phong luôn trong tâm thế sẵn sàng, biến những thách thức thành động lực để lớn mạnh. Trong chặng đường đó, Nhựa Tiền Phong sẽ luôn hướng về cộng đồng, đồng hành và phục vụ cộng đồng trong chiến lược phát triển bền vững, ông Đặng Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong khẳng định.
Phong Vân