Lấy cảm hứng từ cơ chế cơ sinh học của
báo đốm, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Bắc Carolina (NCSU – Mỹ) vừa phát triển một loại rô bốt mềm có khả năng di chuyển tốc độ cao trên mặt đất hay mặt nước nhanh hơn các thế hệ trước.
Theo trang ScienceDaily, rô bốt này còn có khả năng nhẹ nhàng túm lấy các đồ vật và có khả năng nâng các vật nặng.
“Báo đốm là sinh vật nhanh nhất trên cạn và chúng đạt tốc độ và sức mạnh từ việc co duỗi cột sống. Chúng tôi lấy cảm hứng từ báo đốm để tạo một loại rô bốt mềm có cột sống ổn định kép”, theo chuyên gia Jie Yin tại NCSU.
Các nhà khoa học dùng cơ chế bơm khí vào để chuyển đổi giữa 2 tình trạng ổn định của cột sống, giúp tạo xung lực lớn để rô bốt phi trên mặt đất, nghĩa là có thời điểm chân rô bốt không chạm đất chứ không như các thế hệ rô bốt trước.
Trước đây, rô bốt mềm nhanh nhất có thể di chuyển với tốc độ tương đương 0,8 lần so với chiều dài cơ thể trong mỗi giây trên mặt phẳng rắn.
Rô bốt thế hệ mới, có tên là LEAP, có thể đạt tốc độ tương đương 2,7 lần so với chiều dài cơ thể và còn có thể chạy lên dốc.
Rô bốt LEAP có chiều dài khoảng 7 cm và nặng 45 gr, có khả năng nâng trọng lượng đến 10 kg. Bên cạnh đó, chúng còn có thể bơi với tốc độ bằng 0,78 lần chiều dài cơ thể, nhanh hơn so với tỷ lệ 0,7 lần của các
rô bốt mềm trước đó. Nhóm nghiên cứu cho rằng họ có thể chế tạo rô bốt nhanh và mạnh hơn.