Quỳnh Nhai chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp


Thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai đã tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó, tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, trồng cây ăn quả trên đất dốc. Từng bước hình thành các vùng sản xuấ‌t chuyên canh, tập trung, gắn với đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuấ‌t, tiêu thụ sản phẩm.

Sau khi công trình thủy điện Sơn La tích nước, đất sản xuấ‌t nông nghiệp bị thu hẹp, người dân Quỳnh Nhai gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Trước thực trạng trên, huyện đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ sản xuấ‌t, cải tạo vườn tạp, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuấ‌t.

Cùng với đó, tiến hành rà soát diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả để chuyển sang quy hoạch trồng rau, củ, cây ăn quả. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuấ‌t nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.250 ha cây ăn quả các loại, trong đó 611 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là xoài, nhãn, chuối, bưởi, mận… Sản lượng năm 2019 đạt 2.720 tấn. Một số sản phẩm được các xã lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của huyện như: Su su, chuối, cam, sa nhân…

Giá trị thu nhập trên 1 ha đất sản xuấ‌t năm 2019 đạt hơn 25 triệu đồng, lương thực bình quân đạt 387 kg/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,1%… Đặc biệt, khai thác mặt nước hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung chỉ đạo, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Hiện, toàn huyện có 46 HTX thủy sản, với gần 7.000 lồng cá; sản lượng khai thác, đánh bắt đạt 2,3 nghìn tấn, giá trị thu nhập bình quân 1 lồng cá từ 20-30 triệu đồng/năm. Đã có 10 HTX và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận “Cá sông Đà” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Nhiều sản phẩm đã và đang được xây dựng phát triển thành sản phẩm OCOP.

Thành lập năm 2014, HTX Thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn có 7 thành viên, quy mô sản xuấ‌t 131 lồng cá. Năm 2019, sản lượng cá nuôi đạt 110 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng, thu nhập đạt 450 triệu đồng/thành viên. HTX còn sơ chế, chế biến sản phẩm cá khô, cá giảng, cá tép dầu, sản lượng hơn 16 tấn thành phẩm/năm; doanh thu trên 2,6 tỷ đồng. Anh Lò Văn La, Giám đốc HTX, cho biết: Năm 2017, sản phẩm cá lồng của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 2/2019, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ trao quyết định cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La”. Hiện nay, sản phẩm cá tép dầu của HTX đã được UBND xã Chiềng Ơn lựa chọn là sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản gắn với nuôi thủy cầm, chế biến thủy sản; chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.



Nguồn bài viết

Bài trướcCác hãng bán lẻ Mỹ loay hoay với núi hàng tồn sau phá sản
Bài tiếp theoChọn điện thoại tầm giá dưới 5 triệu