Chiều 17/6, gần 95% đại biểu biểu quyết thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó có nội dung đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh.
Cấm hay không dịch vụ đòi nợ thuê là nội dung gây tranh cãi trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi. Ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế trong phần báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật cho biết, đa số ý kiến đề nghị cấm, số còn lại thì không và đề nghị đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.
Tuy nhiên, tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, 371 ý kiến đồng ý cấm dịch vụ này, tương ứng 77,5%. Do đó, sau tiếp thu, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa dịch vụ kinh doanh đòi nợ vào lĩnh vực cấm kinh doanh.
Về đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, có ý kiến đề nghị quy định cần đưa ra điều kiện chặt chẽ để ngăn việc mua bán sáp nhập những dự án ở các điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia cần hài hòa với nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường, quy định pháp luật về đất đai… Các quy định chi tiết sẽ giao Chính phủ ban hành.
Về chuyển nhượng dự án đầu tư, có ý kiến đề nghị rà soát kỹ tránh lợi ích nhóm bán dự án để hưởng chênh lệch giá. Có ý kiến cũng đề nghị không chuyển nhượng dự án chưa thực hiện xong các thủ tục đất đai, xây dựng cơ bản… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, Luật quy định nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng dự án đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng, không phụ thuộc dự án đã hoàn thành hay chưa hoàn thành.
Để đảm bảo trách nhiệm của nhà đầu tư trong thực hiện dự án, tránh dự án treo, Luật sửa đổi quy định các biện pháp, như yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, giới hạn việc điều chỉnh tiến độ của dự án không quá 24 tháng, dự án bị chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư không triển khai theo tiến độ.
Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021.
Anh Minh