Lần đầu tiên sau nhiều tuần, những diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ phản ánh đúng tình trạng ảm đạm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chứng khoán Mỹ lao dốc sau nhiều tuần tăng mạnh. Ảnh: Getty Images.
Theo CNBC, tính cả tuần giao dịch, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 lao dốc lần lượt 5% và 4,7%, trong khi Nasdaq cũng mất 2,3%.
Cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Phố Wall đều trải qua tuần lễ ảm đạm nhất kể từ ngày 20/3.
Trước đó, hôm 11/6, thị trường chứng khoán rúng động khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jay Powell cho biết GDP Mỹ sẽ sụt giảm 6% trong năm 2020, tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Hàng triệu việc làm bị đánh mất, nền kinh tế chỉ có thể phục hồi vào năm 2022.
Giá cổ phiếu tại Mỹ liên tục tăng mạnh từ cuối tháng 3 khiến rất nhiều nhà phân tích hoang mang, không hiểu tại sao thị trường chứng khoán sôi động trong thời điểm nền kinh tế Mỹ tê liệt, hàng chục triệu người mất việc làm và khoảng 1 triệu doanh nghiệp sụp đổ.
Trên Yahoo Finance, chuyên gia kinh tế Rick Newman bình luận tình trạng ảm đạm tại Phố Wall tuần này là việc thị trường thừa nhận nền kinh tế thực đang chìm trong suy thoái.
Hai ngày qua, Nhà Trắng chỉ trích ông Powell dữ dội. Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng các dự báo kinh tế của FED “thường sai lầm”. Ông Larry Kudlow, Chủ tịch hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói “ông Powell nên vui vẻ tích cực hơn”. Còn cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro nặng lời: “Lẽ ra Powell nên ngậm miệng lại”.
Tuy nhiên, chuyên gia Newman cho rằng việc Phố Wall lao dốc là điều cần thiết, bởi thị trường chứng khoán Mỹ và nền kinh tế thực không thể cứ tiếp tục di chuyển ngược chiều. Việc cổ phiếu trở lại với giá trị thực sẽ giúp khôi phục niềm tin vào thị trường.
Giới quan sát cho biết tình hình thị trường Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc dịch Coѵīd-19 có tái bùng phát ở các bang đã mở cửa hay không.
Trên thực tế, số ca nhiễm tại một số vùng ở Texas và Arizona đang tăng mạnh. Đồng thời, dịch bệnh có thể tiếp tục chặn đứng tiêu dùng.
“Tuy nhiên, với việc chỉ số S&P vẫn cao hơn 31% so với đáy hồi tháng 3, rõ ràng là các nhà đầu tư vẫn còn quá lạc quan về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ”, chuyên gia Newman bình luận.