Phi công F-16 kỳ cựu ‘thua trắng’ AI khi không chiến ảo

Một phi công lái máy bay giàu kinh nghiệm của quân đội Mỹ đã thua AI khi không chiến bằng máy bay chiến đấu F-16 trong môi trường giả lập.

Ngày 20/8, dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA), thuộc Lầu Năm Góc, đã tổ chức cuộc thi không chiến ảo mang tên AlphaDogfight để thử nghiệm tính hiệu quả của các thuật toán AI khi tự động điều khiển máy bay chiến đấu.

8 thuật toán AI đến từ các công ty quốc phòng của Mỹ tham gia dự thi. Những AI này sẽ “chiến đấu” với nhau, thuật toán chiến thắng cuối cùng sẽ đấu với người thật.

“Chúng tôi muốn kiểm tra sự thông minh của AI trước con người. Nếu AI chiến thắng trước phi công F-16, chúng ta sẽ tiến thêm một bước nữa trong việc đạt mục tiêu phối hợp hiệu quả giữa người và máy trong không chiến”, Đại tá Dan Javorsek, người đứng đầu văn phòng Công nghệ Chiến lược của DARPA, cho biết.

Phi công kỳ cựu thua trắng AI khi không chiến ảo

Phi công sử dụng kính thực tế ảo để chiến đấu với AI. Ảnh: DARPA.

Không phụ sự kỳ vọng, hệ thống AI do công ty quốc phòng Heron Systems đã chiến thắng và đấu với một phi công kỳ cựu có biệt danh “Banger”. Phi công này hiện nằm trong lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ, người đã tốt nghiệp khóa học hướng dẫn về vũ khí F-16 của trường Vũ khí Không quân Mỹ và có hơn 2.000 giờ sử dụng máy bay chiến đấu nổi tiếng này.

Theo thể thức trong AlphaDogfight, người và AI sẽ đối đầu nhau theo hình thức đánh quần vòng, chỉ được bắn pháo, không sử dụng tên lửa. Banger sẽ ngồi trong buồng lái F-16 giả lập, nhìn mục tiêu để khai hỏa qua kính thực tế ảo.

Kết quả, Banger đã thua AI với tỷ số 0 – 5. Justin Mock, chuyên gia quân sự của DARPA, cho biết AI của Heron đã thể hiện “khả năng ngắm bắn siêu phàm” của mình khi không chiến. Trong khi đó, Banger thậm chí còn không bắn trúng đích đối phương lần nào.

Tiêm kích F-16. Ảnh: U.S. Air Force.

Tiêm kích F-16. Ảnh: U.S. Air Force.

Ben Bell, kĩ sư cấp cao ở mảng Máy học của Heron, cho rằng AI có lợi thế hơn trong môi trường mô phỏng so với con người. Điểm mạnh của AI là không bị tác động của lực G (Gravity) nên có thể đưa ra quyết định nhanh hơn nhiều so với khả năng của con người. Lực G là gia tốc tương đối của vật so với khi rơi tự do, được tính theo gia tốc trọng trường (g), g = 9,81m/s^2.

Hiện còn quá sớm để vận dụng AI vào việc điều khiển máy bay quân sự. Đại tá Dan Javorsek thừa nhận phải mất khoảng một thập kỷ nữa, AI mới có thể điều khiển các chiến đấu cơ như F-16 hay F-15. Tuy nhiên, thành công của Heron mở ra viễn cảnh mới trong việc kết hợp người và máy ở lĩnh vực quân sự trong tương lai.

Bảo Lâm (theo Foxnews)

Nguồn bài viết

Bài trướcTriển khai nhiều biện pháp đưa hóa đơn điện t‌ּử vào cuộc sống
Bài tiếp theoHeineken tăng tốc chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng