Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Mục tiêu đến năm 2030, TP Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ, thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu Đông Nam Á, là trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp; dịch vụ; giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu; khoa học và công nghệ; văn hóa, du lịch và thể thao”.
Xem Video: Há hốc với quán chè bán 98 món ở Cần Thơ | Ẩm Thực Đường Phố
XEM VIDEO CLIP: NthcxXFC5MM
Ngày 23/5, tại TP Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và TP Cần Thơ; các chuyên gia, nhà khoa học; các viện, trường…
Theo Thành ủy Cần Thơ, thời gian qua kinh tế của thành phố tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, quy mô của nền kinh tế được mở rộng, ngân sách cân đối và có điều tiết về Trung ương. Giai đoạn 2006-2019, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Năm 2019 tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt mức hơn 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm và đứng thứ hai trong toàn vùng ĐBSCL.
Cùng với đó, TP Cần Thơ tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp về khai thác, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước thực hiện việc đổi mới công nghệ, di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư nội thành; đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường cũng như công tác phòng, chống, hạn chế sạt lở bờ sông, kênh rạch, bảo vệ môi trường.
Đầu tư các dự án tăng cường năng lực quan trắc và phân tích chất lượng môi trường với trang thiết bị hiện đại, kịp thời dự báo, đánh giá chất lượng môi trường, diễn biến xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh đô thị, nông thôn; chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất kinh doanh đều được thu gom và xử lý; tỷ lệ thu gom rác thải y tế đạt 100%.
TP Cần Thơ cũng chủ động, tích cực tham gia các thể chế hợp tác quốc tế về môi trường, đóng góp nỗ lực chung trong quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên; phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. TP Cần Thơ là thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu (100RC), được vinh danh, nhận “Chứng chỉ ASEAN thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch”.
Quang cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Trần Quốc Trung cho biết, Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã trao cho TP Cần Thơ một sứ mệnh mới. Bằng nỗ lực và quyết tâm, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã sớm ban hành các văn bản, triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, xác định nhiệm vụ cụ thể, bước đi cho từng năm giai đoạn 2005 – 2020 và những năm tiếp theo với các nội dung quan trọng của Nghị quyết.
Ông Trần Quốc Trung nhấn mạnh về vai trò của NQ 45 trong việc phát triển toàn diện TP Cần Thơ: “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Cần Thơ đã từng bước phấn đấu xây dựng và phát triển trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá, đầu mối giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước…”.
Các đại biểu nhìn nhận, phát triển kinh tế của TP Cần Thơ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Cùng với đó cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp và chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, các ngành công nghiệp mới, hiện đại chưa phát triển như mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 45.
Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển chậm, tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa có khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao; phát triển của ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa thật sự trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng ĐBSCL. Xuất khẩu chưa bền vững, dịch vụ logistics chậm phát triển, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, đang là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố và của cả vùng…
Ghi nhận các ý kiến của đại biểu và địa phương, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, kết quả đạt được của TP Cần Thơ qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 45 là hết sức khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh và điều kiện của TP Cần Thơ cũng như cả nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi.Một số chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước gần đây cũng đã được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cần Thơ chỉ có thể phát triển nhanh, bền vững và đột phá trong bối cảnh mới với tư cách là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, có vai trò dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương khác trong vùng. Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ xanh, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế- xã hội mà cả về chính trị, quốc phòng- an ninh. Đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng Cần Thơ mà còn của cả vùng ĐBSCL và của cả nước.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, xây dựng, phát triển TP Cần Thơ phải trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng và các tiểu vùng ĐBSCL. Nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, cảng biển và cảng hàng không quốc tế, tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước, di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, TP Cần Thơ cần giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó coi biến đổi khí hậu vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để thành phố thể hiện vai trò trung tâm vùng. Giữa phát triển kinh tế đô thị với quản lý và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của địa phương, trong đó nỗ lực của địa phương là quyết định để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở công nghiệp chế biến, nông nghiệp giá trị gia tăng cao và cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng…
Ông Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh thêm: “Mục tiêu đến năm 2030, TP Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ, thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu Đông Nam Á, là trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp; dịch vụ; giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu; khoa học và công nghệ; văn hóa, du lịch và thể thao. Là đô thị sông nước, văn minh, sinh thái, đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Đối với tầm nhìn đến năm 2045, TP Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu Châu Á”…