Site icon DOANH NHÂN CUỘC SỐNG

Ông Trần Trọng Tuấn rút khỏi Hội đồng trường Đại học Luật

TP HCMBị can Trần Trọng Tuấn – nguyên Phó chánh Văn phòng Thành uỷ, vừa bị khởi tố vì các sai phạm đất, đã nộp đơn xin thôi tham gia Hội đồng trường Đại học Luật.

Ngày 23/7, ông Đoàn Xuân Quang (Thư ký Hội đồng trường Đại học Luật TP HCM) cho biết, ông Tuấn nêu trong đơn là “vì lý do cá nhân, không thể sắp xếp được thời gian để tham gia hoạt động của Hội đồng trường”.

Bị can Trần Trọng Tuấn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an.

Theo PGS Trần Hoàng Hải (Phó hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM), Hội đồng trường sẽ họp và xem xét, cho ý kiến về đơn của ông Tuấn. Nếu các thành viên hội đồng biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm, Chủ tịch Hội đồng sẽ ký nghị quyết đồng thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp đó, trường có thể tính đến khả năng bầu bổ sung thành viên.

PGS Hải cho biết, ông Tuấn là cựu sinh viên, giảng viên và có nhiều đóng góp cho các hoạt động của trường. Hội đồng trường Đại học Luật TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 được bầu ngày 8/5, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận sau đó, gồm 19 thành viên, do PGS Vũ Văn Nhiêm làm Chủ tịch. Ông Trần Trọng Tuấn khi đó với tư cách Bí thư Quận uỷ quận 3, là một trong 5 thành viên được mời tham gia.

Đến ngày 11/7, ông Trần Trọng Tuấn (lúc này là Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố cùng Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến.

Theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Giáo dục đại học năm 2018 (có hiệu lực từ tháng 7/2019), cơ cấu tổ chức của một trường đại học gồm: Hội đồng trường, Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, hội đồng khoa học và đào tạo và hội đồng khác (nếu có)… Trong đó, Hội đồng trường có tối thiểu là 15 người, gồm các thành viên trong và ngoài trường đại học. Thành viên ngoài trường có thể là đại diện cơ quan quản lý, nhà giáo dục, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên…

Hội đồng trường có quyền quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm của nhà trường; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, dân chủ ở cơ sở phù hợp với các điều luật quy định chung.

Hội đồng cũng có quyền quyết định phương án tuyển sinh, mở ngành đào tạo mới, thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc trường và các chế độ tuyển dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên chức…

Mạnh Tùng

Nguồn bài viết

Exit mobile version