Masayoshi Son rời HĐQT Alibaba sau 15 năm, nhưng khẳng định không phải vì mất niềm tin vào đại gia thương mại điện tử.
Kết thúc Đại hội Cổ đông Softbank hôm nay (25/6), nhà sáng lập Masayoshi Son bất ngờ thông báo sẽ rút khỏi hội đồng quản trị của Alibaba. Ông nói sắp “tốt nghiệp” hội đồng quản trị công ty này.
Son giải thích ông ra đi không phải vì bất đồng, dù Jack Ma – đồng sáng lập Alibaba tháng trước cũng thông báo sẽ rời HĐQT SoftBank. Hai tỷ phú vẫn giữ quan hệ thân thiết sau khi Son trở thành một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Alibaba. Hiện tại, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc có giá trị khoảng 600 tỷ USD và được coi là viên ngọc quý trong danh mục đầu tư của SoftBank.
“Chúng tôi không mâu thuẫn. Đây là một thỏa thuận hoàn hảo”, Son nói trong phiên họp thường niên trực tuyến.
Sự ra đi của Son và Jack Ma dường như chưa có tác động trực tiếp đến hai công ty. Tuy nhiên, việc này đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên. Son và Jack Ma là hai trong các doanh nhân thành công nhất thế hệ của họ và có thể dựa vào lời khuyên của nhau suốt vài thập kỷ.
Son tham gia HĐQT Alibaba từ năm 2005. Khi SoftBank vướng vào rắc rối với các khoản đầu tư thua lỗ năm nay, Son có thể dùng đến cổ phần tại Alibaba để huy động số vốn cần thiết.
Đến nay, Alibaba vẫn là khoản đầu tư thành công nhất của SoftBank. Đầu năm 2000, Son rót 20 triệu USD vào Alibaba – khi đó là một nền tảng chưa có tên tuổi, kết nối các nhà sản xuất tại Trung Quốc với khách mua hàng ở nước ngoài. Hiện tại, số cổ phần này đã có giá hơn 150 tỷ USD. Thương vụ này cũng giúp củng cố danh tiếng của Son và sau này giúp ông gây dựng quỹ Vision Fund trị giá 100 tỷ USD.
Son nổi tiếng là người quan tâm đến các doanh nhân mà ông nhận thấy có khả năng thành “Jack Ma tiếp theo”. Alibaba từ lâu cũng trở thành tiêu chuẩn để Son cam kết rót vốn vào các startup khác. Tuy nhiên, gần đây, ông phải chịu một loạt tổn thất với các khoản đầu tư vào các startup gồm Wag Labs, Zume Pizza và Brandless. Trước đó, SoftBank cũng thiệt hại nặng nề vì WeWork.
Dù vậy, trong cuộc họp hôm nay, Son vẫn tỏ ra lạc quan. Khi được cổ đông hỏi về việc có bao nhiêu trong số 88 công ty được Vision Fund rót vốn hiện tại có thể trở thành Alibaba kế tiếp, Son nói có một hoặc hai “mini Alibaba”.
Ông cũng khẳng định lại niềm tin của mình vào cuộc chuyển đổi số toàn cầu và sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo. Cả hai đều phát triển nhanh trong đại dịch và sẽ giúp ích cho các khoản đầu tư của ông vào ByteDance – chủ sở hữu TikTok và hãng chip Arm (Anh).
Tú Anh (theo Bloomberg)