Nữ sinh hóa thân thành con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn

Hóa thân thành bé Bôm, con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn, bức thư của Vũ Thị Huế, 16 tuổi, khiến nhiều người không kìm được nước mắt.

Tại lễ tổng kết, trao giải vòng quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 sáng 26/6, Vũ Thị Huế, lớp 10F, trường THPT Nam Sách, Hải Dương, đoạt giải nhì với bức thư gửi nghệ sĩ Quốc Tuấn.

Vũ Thị Huế tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49, sáng 26/6. Ảnh: Thanh Hằng

Vũ Thị Huế tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49, sáng 26/6. Ảnh: Thanh Hằng

Với đề bài “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống”, Huế hóa thân thành bé Bôm, con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn, kể cho bố nghe về buổi hòa nhạc rất thành công tại Tây Ban Nha, qua đó bày tỏ tình yêu thương, lòng biết ơn với sự chăm sóc tận tâm của bố trong 15 năm qua.

Em kể, giữa năm lớp 10, em tình cờ đọc được câu chuyện của nghệ sĩ Quốc Tuấn và con trai. Cô gái quê Hải Dương cảm thấy hành trình chữa bệnh của hai bố con phần nào tương đồng với những gì em đã trải qua nên quyết định lựa chọn bé Bôm và nghệ sĩ Quốc Tuấn là nhân vật chính trong bức thư gửi dự thi UPU.

“Em xúc động và ngưỡng mộ nghị lực phi thường của hai bố con. Em nghĩ mình đồng cảm với Bôm vì cũng có một người cha vĩ đại, luôn đồng hành với em”, Huế chia sẻ.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn và con trai, bé Bôm, giao lưu với Huế, sáng 26/6. Ảnh: Thanh Hằng

Nghệ sĩ Quốc Tuấn và con trai, bé Bôm, giao lưu với Huế, sáng 26/6. Ảnh: Thanh Hằng

Ngoài việc giành giải nhì vòng quốc gia cuộc thi viết thư UPU, niềm vui của Huế nhân đôi khi trên đường xuống Hà Nội nhận giải, em nhận thông báo sẽ được gặp nghệ sĩ Quốc Tuấn và bé Bôm, những nhân vật chính trong lá thư của mình.

Tại buổi giao lưu, nghệ sĩ Quốc Tuấn nghẹn ngào: “Huế ơi, con nói bác là người cha vĩ đại, bác xấu hổ lắm vì nghĩ bố mẹ nào cũng đều hy sinh cho con cái rất nhiều. Đọc thư của con, bác thấy rất thú vị vì những chi tiết, sự phát hiện tinh tế cùng sự lạc quan toát lên”. Tiếp lời “bố Tuấn”, Bôm chia sẻ cảm thấy rất vui khi được quan tâm, yêu quý.

Thông qua lá thư, Huế muốn lan tỏa thông điệp yêu thương, sức mạnh phi thường của tình phụ tử. “Em nghĩ mình và Bôm là những đứa trẻ may mắn khi có một người cha luôn dành tình cảm, che chở mình vô điều kiện, giúp chúng em tự tin và trưởng thành một cách bình yên”, Huế nói.

Bức thư hóa thân thành con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn gây xúc động

Nghệ sĩ Quốc Tuấn và con trai chia sẻ tại lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49, sáng 26/6. Video: Thanh Hằng

Dưới đây là toàn văn bức thư của Vũ Thị Huế:

“Tây Ban Nha, ngày 30/12/2019

Gửi Bố yêu quý của em!

Em có thể hình dung được sự bất ngờ của bố khi nhận được thư này. Hôm nay, em quyết định không video call với bố như mọi lần. Em viết thư gửi bố vì không muốn phá hủy khoảnh khắc hiếm hoi bố bên đĩa nhạc Taylor Swift hay Faith Hill, cũng là để khoe với bố dù còn hơi ngố nhưng em đang trưởng thành từng ngày.

Bố ơi, hôm nay em đã chạm tới ước mơ đẹp nhất của mình: trở thành khách mời của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời (SSO), được hòa tấu cùng Ivan Martin trong một Lễ hội âm nhạc quốc tế tại Tây Ban Nha. Thật nhiều cảm xúc khó tả bố ạ! Nhưng em đã làm rất ổn. Em cũng sửa được tật cắn móng tay khi căng thẳng rồi. Chắc là bố sẽ rất vui vì điều đó!

Có lẽ 15 năm trước, khi Bôm của bố ra đời với hội chứng đã khiến cả thế giới của bố sụp đổ. Em xin lỗi vì không thể mang đến niềm vui trọn vẹn cho bố như bao bạn nhỏ khác. Từ đó, bố gác lại tương lai của mình để tìm kiếm tương lai cho em – một đứa trẻ không bình thường, chờ mong em được lớn lên bình thường.

Mười lăm năm, em trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật lớn nhỏ để giành giật sự sống, cũng là ngần ấy lần bố lặng lẽ đếm tiếng tích tắc của đồng hồ bên ngoài phòng mổ. Với những người bố khác, hạnh phúc là nhìn con tập nói, tập đi. Còn với bố, sự trưởng thành của em được đánh dấu bằng việc em tự biết mặc áo, vẫy bàn tay nhỏ xíu tạm biệt bố để vào phòng phẫu thuật.

“Rồi mọi thứ sẽ ổn!”, bố luôn nói vậy trước mỗi khoảnh khắc khó khăn. Ngày hình hài em chưa ổn nhưng bố đã đem đến cho em một điều trên cả tuyệt vời: một em đàn piano. Những ngày đầu, đôi tay run rẩy, vụng về sau phẫu thuật của em “mổ cò” trên những phím đàn, bố trêu: “Bôm gõ vậy có sợ em đàn đau không?”. Chỉ cần thế , em đã dần biết cách điều khiển đôi tay cho khéo léo hơn vì sợ làm em đàn “tổn thương”. Bố thỉnh thoảng vẫn ghen tị: “Bôm yêu em đàn hơn bố rồi!”.

Bố buồn cười lắm, chẳng giấu em làm của riêng bao giờ. Ngược lại, đi đâu bố cũng mang em theo: đi làm, chơi thể thao, đi du lịch… và bố gọi những chuyến đi đó là hành trình mở cánh cửa chứa điều bí mật của thế giới. Từ đó, em biết thêm về cuộc sống bên ngoài cánh cửa và dãy hành lang dài của bệnh viện. Em có bố là anh trai, em đàn là em gái nhỏ, có thế giới bao la là người thầy cực thú vị. Rồi em lớn lên cùng giấc mơ chơi nhạc của mình.

Cho đến giờ, em vẫn không hiểu, điều gì khiến bố có niềm tin mãnh liệt vào em đến vậy? Bố tin em sẽ lớn lên bình thường. Bố tin em sẽ mang giấc mơ âm nhạc của em đi thật xa. Bố tin em sẽ chân cứng đá mềm điền tên vào bảng tên của cuộc sống. Có lẽ vì bố là bố của em?

Em còn nhớ, ngày em trở thành sinh viên 14 tuổi của Học viện Âm nhạc quốc gia, bố đã thao thức cả đêm. Đêm đó, em phát hiện bố tưởng thật vĩ đại nhưng có lúc cũng khóc nhè như Bôm vậy. Rồi em dần có những chuyến đi diễn xa mà không có bố bên cạnh. Nhưng em không còn thấy sợ. Là nhờ bố giúp em hiểu: được sống là một điều tuyệt vời. Được sống, cứ hồn nhiên như nốt nhạc trong bản hòa tấu của tình yêu. Là bố giúp em hiểu: tình yêu thương vô điều kiện sẽ giúp những đứa trẻ không hoàn hảo như em trở nên hoàn thiện. Và mọi khiếm khuyết của cuộc sống cần được lấp đầy bằng tình yêu thương…

Bố ạ, em đã mua mấy đĩa nhạc Jazz, cả Chopin mà bố thích, để làm quà tặng bố. Vì bố xứng đáng được nghỉ ngơi sau chặng đường giúp em tìm lại chính mình và khôn lớn! Bố hãy chuẩn bị sẵn nụ cười thật tươi để đón em ngày trở về nhé!

Chàng trai của bố!

Bôm”.

Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcChứng khoán Mỹ lao dốc trước nguy cơ Covid-19 quay lại
Bài tiếp theoHà Nội muốn thu nhập đầu người đạt 13-14 nghìn USD trong 10 năm tới