Đạt 8.0 IELTS, SAT 1590/1600, Đỗ Cao Minh Châu, 18 tuổi, giành học bổng của 7 trường tại Mỹ và Phần Lan, trong đó Đại học Notre Dame tài trợ 6,4 tỷ đồng.
Ngày cuối tuần giữa tháng 6, Minh Châu, lớp 12 Sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, tự thưởng cho mình khoảng thời gian thư giãn sau những buổi học trên lớp. Vì giành học bổng du học, việc học tại trường và thi tốt nghiệp không còn quá áp lực với em.
Trong kỳ tuyển sinh tháng 4-5, Châu trúng tuyển sáu trường tại Mỹ và Đại học Aalto của Phần Lan. Trong đó, Đại học Notre Dame, xếp thứ 15 theo danh sách đại học quốc gia của Mỹ theo US News & World Report 2021, đề nghị cho em học bổng toàn phần gồm học phí và sinh hoạt phí trị giá hơn 6,4 tỷ đồng trong bốn năm. Còn tại bảng xếp hạng QS, Đại học Aalto xếp thứ 127 thế giới, là đại học tốt thứ hai tại Phần Lan. Trường cũng trao học bổng 100% học phí cho Châu.
Nhìn thành tích của cô gái chuyên Sinh, ít người biết rằng em từng nghĩ “du học chẳng để làm gì”. Trong hai năm, từ việc thay đổi suy nghĩ, nhận thức, Châu dành thời gian hoàn thành các chứng chỉ cần thiết. “Cho đến giờ khi nhìn lại hai năm đã qua, em vẫn nghĩ đó là một hành trình khó tin”, Châu nói.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từ khi học khối THCS trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Châu được gia đình gợi ý du học. Em không phản đối nhưng cũng chưa hoàn toàn ủng hộ và nghe theo kế hoạch của gia đình. “Lúc đó em nghĩ tại sao phải đu học? Du học cho mình cái gì? Em học trên lớp, thành tích tốt nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời”, cô gái kể.
Đến khi vào lớp 10, nhờ đạt giải ba môn Sinh trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, Minh Châu được vào vòng sơ loại để chọn 6 em, thành lập đội tuyển thi IJSO (Olympic Khoa học trẻ quốc tế) lần thứ 14, được tổ chức tại Hà Lan năm 2017. Trải qua hai vòng thi, Châu may mắn là người cuối cùng được chọn trong 6 thành viên đội tuyển.
Trong ba tháng ôn tập, Châu cùng các bạn phải học toàn bộ kiến thức Lý, Hóa, Sinh của bậc THPT. Đến giờ khi nhớ lại, Châu vẫn dùng từ “kinh hoàng” để diễn tả khoảng thời gian ôn luyện căng thẳng đó. Nữ sinh tự nhận tư chất không được như các bạn, giáo viên giảng một lần trên lớp Châu chưa thể hiểu ngay nên về nhà em phải xem lại. Thời gian ôn thi, ngày nào em cũng học đến 2h sáng.
Trước khi bước vào kỳ thi chính thức, Châu phải trải qua ba lần thi thử. Lần đầu em xếp thứ 5/6, lần hai đứng chót và lần ba vươn lên vị trí thứ hai. “Em hơi tự ti vì nghĩ mình không thông minh bằng các bạn. Điều khiến em tự hào nhất là sự chăm chỉ của bản thân”, Châu nhớ lại.
Ngày bước chân đến Hà Lan để tham gia IJSO 2017, Châu rất lo lắng. Nếu bảo không hy vọng là nói dối nhưng nữ sinh chỉ dám nghĩ “được giải là may lắm rồi”. Thế nên khi Châu giành huy chương bạc, cũng là thành tích tốt nhất của đoàn IJSO Việt Nam năm đó, các thầy cô đã đánh giá kết quả của em là “cuộc lội ngược dòng ngoạn mục”.
Vì lần đầu được ra nước ngoài, trong hai tuần tại Hà Lan, Châu được đi tham quan, dự nhiều hội thảo trao đổi, làm việc nhóm đồng thời trải nghiệm sự đa dạng văn hóa, gặp gỡ nhiều bạn bè trên thế giới. “Khi giao lưu với thầy cô, bạn bè, được thoải mái trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình và lắng nghe phản biện từ mọi người, em thấy đây là trải nghiệm hấp dẫn và phù hợp với bản thân. Nhận thức của em về du hoc bắt đầu thay đổi”, Châu nói, khẳng định IJSO 2017 là cuộc thi giúp em mở ra một giấc mơ, hướng đi mới cho em.
Châu bắt đầu tìm hiểu và ôn thi các chứng chỉ chuẩn hóa, tiếng Anh để hoàn thiện dần hồ sơ du học. Từ mùa hè năm 2018, nữ sinh tham gia một lớp ôn thi SAT trong ba tháng. Lần đầu thi, Châu chỉ đạt 1430/1600 điểm. Em tỏ ra khá tiếc nuối vì cho rằng chưa biết cách phân bổ thời gian. “Em nghĩ mình có thể làm được nhiều điểm hơn, bài đọc không khó đến mức như thế”, Châu kể.
Sau lần đầu thi với kết quả không như ý, cô gái chuyên Sinh quyết định tự ôn để thi lại. Lần này, Châu luyện nhiều đề để cải thiện tốc độ, tập trung ôn lại những phần mình có thể mạnh và học thêm từ vựng. Thời gian nước rút, nữ sinh làm hai đề một ngày, mỗi đề 3,5 tiếng. Sau hai tháng nỗ lực, Châu đạt điểm gần tuyệt đối 1590/1600 trong lần thi SAT thứ hai, chỉ mất 10 điểm ở phần đọc hiểu.
Cuối năm 2018 Châu ôn thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh, không cần tham gia các buổi học trên lớp nên ngoài học đội tuyển, em dành thời gian tối đa để ôn tập chứng chỉ ngoại ngữ. Sau khi đạt thành tích cao trong kỳ thi SAT, nữ sinh tiếp tục lên kế hoạch thi IELTS. Ngay từ mùa hè, Châu đã mua sách Cambridge để luyện đề. Tự nhận vốn từ kém, bí quyết của em chỉ là luyện và học thật nhiều từ mới.
Vì không đi học tại trung tâm, Châu không có giáo viên và bạn bè để luyện nói cùng. Em chỉ đứng trước gương, tự nói với mình, ghi âm và tự sửa lỗi. Em học thuộc từ vựng và cụm từ theo chuyên đề, sau đó hướng đề bài theo nội dung các từ đã có để bài nói tăng tính học thuật. Sau sáu tháng tự học, Châu đạt IELTS 8.0, trong đó Reading điểm tuyệt đối 9.0, Listening 8.5, Speaking 7.5 và Writing 7.0.
Dù ôn thi chứng chỉ, cô gái chuyên Sinh cũng không lơ là việc học và vẫn dành thời gian tham gia hoạt động xã hội. Hai năm liên tiếp, Châu đều đạt giải nhì môn Sinh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tháng 5/2019, em thành lập Healthy Everyday Oganization (HEO), tổ chức phi lợi nhuận, thường tổ chức các dự án dạy cho trẻ em tiểu học và đầu THCS kiến thức về dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cá nhân. Ngoài việc tự lên giáo án và đứng lớp, Châu cũng mời cố vấn là các thầy cô có chuyên môn. Đến nay, ban tổ chức của HEO có 50 thành viên, tổ chức được 7 lớp học miễn phí cho hơn 200 học sinh.
Khi đã sở hữu thành tích học tập và ngoại khóa dày dặn, cô học trò chuyên Sinh đầu tư cho bài luận chính. Minh Châu kể về đam mê khoa học tự nhiên của bản thân và cách lĩnh vực này tác động lên tính cách của em. “Khoa học tự nhiên vẫn được coi là lĩnh vực khô cứng nhưng lại giúp em thay đổi nhiều về mặt cảm xúc, suy nghĩ và đưa em đến với nhiều cơ hội mới”, Châu nói.
Vì không thông qua trung tâm du học, Châu nhờ một cố vấn là người Mỹ chỉnh sửa cách hành văn, ngữ pháp giúp, hoàn thiện bài luận chính trong ba tháng 6-11/2019. Nữ sinh không gửi lần lượt hồ sơ cho từng trường mà hoàn thiện tất cả, cùng lúc gửi cho các trường vào cuối tháng 11/2019.
Dù hồ sơ khá đẹp với thành tích học tập, ngoại khóa dày dặn cùng khả năng chơi đàn bầu, Minh Châu vẫn lo lắng. Tại vòng nộp hồ sơ sớm cuối năm 2019, em đã không thành công khi nhận lời từ chối từ ngôi trường đặt hy vọng cao nhất. Nhờ sự động viên của gia đình, em lấy lại cân bằng, vững tâm để bước vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh chỉ sau đó một tuần.
Hai tháng tiếp theo vẫn trôi qua trong căng thẳng vì tỷ lệ đỗ ở vòng tuyển sinh thường sẽ thấp hơn tuyển sinh sớm. Nhưng rồi thư báo trúng tuyển đầu tiên gửi về trong sự hạnh phúc như vỡ òa của Minh Châu. Tổng cộng 7 trường đồng ý trao học bổng cho em, trong đó có Đại học Notre Dame và Đại học Aalto. “Khi nhận được kết quả trúng tuyển, em rất vui vì cố gắng của mình đã được đền đáp”, Châu kể. Hiện em chưa quyết định nhập học trường nào.
Nguyễn Hải Thùy Linh, bạn cùng lớp và cùng đội tuyển Sinh học quốc gia với Minh Châu, đánh giá em là người cởi mở, thông minh và chăm chỉ. Trong quá trính sát cánh cùng nhau, cả hai thường giúp đỡ và chia sẻ những vui buồn trong học tập và cuộc sống. “Với nỗ lực bền bỉ mà Châu đã bỏ ra, em nghĩ bạn hoàn toàn xứng đáng với thành tích đạt được. Châu có thế mạnh về sự tỉ mỉ, chăm chỉ, em nghĩ bạn phù hợp với ngành y hoặc nghiên cứu khoa học”, Linh nói.
Thời gian tới, Châu sẽ thi chọn đội tuyển thi Olympic Sinh học, được tổ chức online vào tháng 8, sau đó sẽ cân nhắc các dự định tiếp theo. Từ những gì đã trải qua và thay đổi, cô gái sinh năm 2002 cho rằng mỗi người cần học cách đối mặt và vượt qua qua áp lực để vươn tới những cơ hội mới. “Em nghĩ làm gì cũng phải có áp lực mới tiến lên được vì áp lực tạo ra động lực, giúp em làm được những việc tưởng chừng không thể và kiên trì theo đuổi mục tiêu”, Châu nói
Thanh Hằng