Nữ sinh ba lần giành giải viết thư UPU

Hà NộiKết quả được thông báo chậm một tháng, Ánh Dương nghĩ đã “trắng tay” tại cuộc thi viết thư UPU, sau đó vỡ òa khi biết mình giành giải nhì chung cuộc.

Nếu được chọn một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của năm lớp 10, Nguyễn Ánh Dương, trường THPT Chu Văn An, luôn nhớ đến giây phút được thông báo đoạt giải nhì cuộc thư viết thư quốc tế UPU lần thứ 49. Lúc đó, Dương đang học tiết Ngữ văn và được cô phụ trách đội gửi thông báo kết quả đến từ ban tổ chức. Mở thư, nhìn danh sách giải có tên mình trong cột “giải nhì”, Ánh Dương vỡ òa, được bạn bè cùng cô giáo dạy Văn chúc mừng.

“Lúc đó tuy hơi ngại vì được cả lớp vỗ tay, em vẫn rất sung sướng”, Dương nói. Cuộc thi viết thư quốc tế UPU 49 năm nay là lần thứ năm Dương tham gia và là lần thứ ba em đoạt giải, thành tích không nhiều học sinh có thể làm được.

Ánh Dương chụp kỷ yếu năm lớp 9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ánh Dương chụp kỷ yếu năm lớp 9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Niềm say mê văn học của Ánh Dương bộc lộ từ khi bước vào tuổi lên 3. Lúc đó, vì chưa biết chữ, Dương thường đòi chị gái, hơn em bốn tuổi, đọc giúp các câu chuyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Lớn hơn một chút, khi được đi học, cô bé thích thú vì có thể tự mình trải nghiệm những câu chuyện và tác phẩm văn chương. Ánh Dương chia sẻ, em thích nhất là truyện Dế mèn phiêu lưu ký của tác giả Tô Hoài. Đến giờ, nhiều khi căng thẳng, mệt mỏi em vẫn đọc lại để thư giãn và mong muốn hồi tưởng những cảm xúc tuổi thơ.

Ánh Dương thường tìm đến những cuộc thi với đề tài gợi mở để có thể thỏa sức sáng tạo, viết tác phẩm. Trong khi nhiều người cho rằng viết thư UPU khiến học sinh tốn thời gian, Ánh Dương nghiêm túc đầu tư tham dự và nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình. “Em yêu thích cuộc thi vì mỗi đề tài của viết thư UPU lại mở ra câu chuyện nhân văn, đồng thời giám khảo của cuộc thi đều là những nhà văn, nhà thơ có tài và có tâm”, Ánh Dương nói.

Năm lớp 6, lần đầu tiên Ánh Dương thử sức với cuộc thi này. Năm đó em được mẹ đồng hành, góp ý để bài viết trở nên hoàn thiện, sau đó giành giải cây bút triển vọng, ở top 100 trong số hàng trăm nghìn bài dự thi. Những năm tiếp theo, em tiếp tục tham dự, tự mình hoàn thành tác phẩm.

Sau hai năm lớp 7 và 8 không được giải, niềm vui tiếp tục đến với Ánh Dương khi em giành giải nhì cao nhất với bức thư gửi cụ Behrman, nhân vật trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mỹ O.Henry. Với đề tài “Hãy viết một bức thư về người hùng của em”, Dương nghĩ đến nhân vật cụ Behrman, người đã hy sinh để vẽ chiếc lá thường xuân trên tường, giúp cô gái Johnsy được sống. Giải nhì của Ánh Dương cũng là thành tích cao nhất của học sinh Hà Nội trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU 48.

Sinh năm 2004, là lần cuối Ánh Dương đủ tuổi tham dự cuộc thi này. Cuối năm ngoái, sau khi đọc đề bài “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống”, nữ sinh xây dựng dàn ý, thu thập thông tin để viết bức thư cho thủ lĩnh da đỏ Seattle, mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường. Dương chia sẻ ấn tượng với nhân vật thủ lĩnh Seattle, người đã viết thư cho tổng tổng Mỹ trong một sự kiện có thật. Sau đó, văn bản này được dịch ra nhiều ngôn ngữ, mang tên Bức thư của thủ lĩnh da đỏ.

Từ đầu tháng 1, Dương đã thu thập thông tin và hoàn thành bức thư trong hai tháng. Khoảng thời gian Ánh Dương đầu tư tham dự cuộc thi cũng là lúc Covid-19 xuất hiện và lây lan tại Việt Nam, em không bỏ sót bất kỳ thông tin nào về đại dịch này. Đến đầu tháng 3, Ánh Dương hoàn thành bức thư gửi thủ lĩnh da đỏ, sẵn sàng nộp bài thi trước hạn 8/3.

Ánh Dương (áo đen) chụp cùng bạn bè. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ánh Dương (áo đen) chụp cùng bạn bè. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, tối 6/3 Hà Nội họp khẩn cấp trong đêm, xác nhận bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam và là người đầu tiên mắc Covid-19 tại thủ đô. Trong căn nhà tại quận Ba Đình, Ánh Dương và gia đình choáng váng, có phần hoảng loạn. Đêm đó, nhìn hình ảnh những người lãnh đạo đất nước tất bật chỉ đạo, xây dựng kế hoạch ứng phó nếu dịch bùng phát, Dương bật khóc vì cảm động và biết ơn.

Ngay hôm sau, khi nhận thông báo lùi hạn nộp bài thi đến 25/3 của ban tổ chức, Ánh Dương không mất nhiều thời gian, quyết định chuyển hướng. Em không nộp bức thư đã hoàn thiện, thay vào đó nữ sinh viết về sự hy sinh của những người lãnh đạo, y bác sĩ và lực lượng chức năng tại tuyến đầu chống dịch tại Việt Nam.

Trong hơn hai tuần ít ỏi, Dương đầu tư thời gian để đọc về đại dịch SARS và ấn tượng với Carlo Urbani, bác sĩ tại Bệnh viện Việp – Pháp, người đầu tiên phát hiện SARS và cũng qua đời vì đại dịch này. Sau khi biết bác sĩ Carlo Urbani đã tình nguyện hiến tặng phổi của mình để làm tiêu bản nghiên cứu, Dương xúc động, cảm phục và quyết định chọn ông là nhân vật chính cho tác phẩm của mình.

Với bức thư gửi bác sĩ Carbo Urnani, Ánh Dương kể về giấc mơ của một bé gái, nhân vật xưng “con”. Trong mơ, bé gái thấy một cuộc họp giữa đêm, bàn cách xâm chiếm Trái Đất của virus corona. Dương lấy cảm hứng từ cuộc họp của lãnh đạo thành phố Hà Nội tối 3/6, bàn cách đối phó với Covid-19 để xây dựng chi tiết này.

Trong thư, trước sự xâm chiếm của virus, “mẹ Trái đất” tưởng chừng bất lực, bỗng thở phào khi chứng kiến những người lãnh đạo, nhà khoa học, y bác sĩ, lực lượng chức năng và toàn thể nhân dân sẵn sàng đứng lên chiến đấu chống lại dịch bệnh. Ánh Dương giải thích, em sử dụng hình ảnh hoán dụ để thể hiện sự hy sinh, tinh thần căng mình chống dịch của người dân Việt Nam như bác sĩ Carlo Urbani đã làm 17 năm về trước.

Để “nuôi” cảm xúc và truyền tải trọn vẹn nhất vào tác phẩm, Ánh Dương đã nhờ mẹ đèo đến cổng Bệnh viện Việt – Pháp, cách nhà gần 10 km, nơi bác sĩ Carlo Urbani làm việc năm xưa, chỉ để đứng ở ngoài nhìn vào phía trong. Cô Bùi Thị Hiên, mẹ của Dương, cho biết lúc đó cảm thấy đắn đo trước mong muốn của con gái, nhất là trong khi Hà Nội và Việt Nam liên tiếp phát hiện các ca nhiễm mới. “Tuy nhiên, vì muốn con có điều kiện tốt nhất để hoàn thành tác phẩm, tôi và Dương đeo hai khẩu trang, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, chỉ đứng ở ngoài để nhìn khoảng 15 phút rồi về”, chị Hiên nhớ lại.

Ánh Dương (thứ hai từ trái sang) trong lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49, ngày 26/6. Ảnh: Ban tổ chức

Ánh Dương (thứ hai từ trái sang) trong lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49, ngày 26/6. Ảnh: Ban tổ chức

Ngày 24/3, chỉ một ngày trước khi hết hạn nộp bài, Ánh Dương mới hoàn thành bức thư. Sau khi đọc cho bố mẹ và chị gái nghe, em cẩn thận cho vào bao, mang ra bưu điện gửi. “Dù được giải hay không, em đều muốn gửi đi một sản phẩm với sự trân trọng, đầu tư nghiêm túc nhất có thể”, nữ sinh chia sẻ.

Sau hơn một tháng chờ đợi, Dương không nhận được hồi âm của ban tổ chức. Đến tận cuối tháng 5, muộn một tháng so với thời điểm trao giải năm ngoái, em vẫn không có tin tức gì và thất vọng cho rằng mình không được giải. Khi Dương nghĩ cần chấp nhận việc không có thành tích trong lần cuối tham dự viết thư UPU, nữ sinh được cô giáo trao thông báo chúc mừng của ban tổ chức.

Cô Trần Thị Thu Hiền, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An, giảng dạy Ánh Dương từ đầu năm lớp 10. Cô Hiền đánh giá Dương là học sinh nghiêm túc, chuyên cần và chỉn chu. Tại mỗi bài tập, em luôn đầu tư thời gian, tìm tòi và xây dựng ý tưởng mới, luôn coi đây là cơ hội để khám phá, sáng tạo.

“Dương viết tốt hơn nói, văn của em luôn nhẹ nhàng, giàu sức gợi. Trong những bài viết của mình, Dương biết cách bày tỏ chính kiến, cảm xúc một cách khéo léo, tình cảm”, cô Hiền chia sẻ. Cô giáo cho rằng, học trò sẽ là cây bút triển vọng, có thể tiến xa trong các công việc liên quan đến văn học như giáo viên, biên tập hoặc hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

Kết thúc năm lớp 10, Ánh Dương đạt 8,6 điểm tổng kết môn Ngữ văn, cao nhất cả lớp cùng điểm trung bình các môn đạt 9,1. Năm sau, Ánh Dương không còn đủ tuổi tham dự cuộc thi viết thư quốc tế UPU. “Với ba lần đạt giải trong năm năm, đây không chỉ là thành tích giúp em tự tin vào năng khiếu văn học của bản thân hơn một chút mà sẽ trở thành kỷ niệm đẹp, nhiều cảm xúc và đáng tự hào trong đời học sinh của em”, Dương khẳng định.

>>Xem toàn văn bức thư đạt giải nhì của Ánh Dương

Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcViệt Nam chi gần 16.000 tỷ đồng chống Covid-19
Bài tiếp theoTrạm sạc cho ô tô điện đầu tiên ở Đà Nẵng chạy bằng năng lượng mặt trời