Sau nhiều năm làm thương lái trái cây bị thua lỗ, nợ nần chồng chất, bà Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, Hậu Giang, chuyển sang nuôi ba ba, cua đinh và trở thành tỉ phú.
Rất nhiều người đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi cua đinh, ba ba của bà Nguyệt.
Xem Video: Khởi nghiệp thất bại, cử nhân về quê nuôi ba ba và cái kết bạc tỉ
Khởi nghiệp từ ba ba
Bà Nguyệt kể, trước đây gia đình bà sống chủ yếu bằng nghề làm vườn. Hơn 20 năm trước, bà làm thương lái thu mua nhiều loại trái cây để chở ra phía Bắc bán. Tuy nhiên, việc làm ăn không suôn sẻ, gia đình mắc nợ hàng chục triệu đồng.
“Tình thế khó khăn quá nên tôi bàn với gia đình chuyển hướng làm ăn. Lúc này thấy thị trường chuộng con ba ba, giá bán lại cao nên chúng tôi quyết định mua ba ba thịt bán lại”- bà Nguyệt nói.
Sau đó, trong những chuyến thu mua ba ba đưa đi TP Hồ Chí Minh rồi ra Hà Nội bán, bà Nguyệt thấy nhu cầu ba ba trên thị trường rất lớn nên quyết định mua con giống về nuôi. “Mua bán mà có mô hình nuôi và đạt kết quả tốt, khách an tâm hơn khi mua hàng của mình”- bà Nguyệt phân tích.
Lúc đầu, bà Nguyệt mua 1.000 con ba ba con về thả nuôi, sau đó xây thêm 4 bể để đưa ra nuôi thương phẩm. Trong quá trình thu mua ba ba thịt, bà tìm hiểu kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, ấp trứng ba ba để làm giống…
Cứ thế nở nồi, ba ba trở thành vật nuôi chính. Bên cạnh đó, nhờ uy tín buôn bán cùng với kỹ thuật nuôi khá bài bản, bà Nguyệt có nguồn thu nhập đáng kể, trả xong nợ và còn tích lũy mở rộng trang trại.
Lúc này, mỗi năm gia đình bà Nguyệt xuất bán gần 1 tấn ba ba thịt cùng với hơn 60.000 con giống cho thị trường cả nước. Các hồ nuôi trong trang trại còn duy trì hàng trăm con ba ba bố mẹ để cho sinh sản.
Tuy ba ba mang lại thu nhập đáng kể nhưng theo bà Nguyệt, con cua đinh mới là vật nuôi mang lại cơ hội làm giàu cho gia đình.
“Cách đây hơn 10 năm, trong lúc thu mua ba ba, tôi gom được 48 con cua đinh trọng lượng 1-2kg, lúc đầu định bán thịt nhưng sau đó tôi quyết định để lại nuôi sinh sản bởi lúc này cua đinh giống rất khan hiếm, giá cua đinh thịt cũng cao ngất ngưởng, nếu nuôi thành công sẽ mở ra cơ hội làm giàu”- bà Nguyệt nói.
Đổi đời nhờ cua đinh
Theo bà Nguyệt, nuôi cua đinh cũng giống như ba ba và những kinh nghiệm từ nuôi ba ba đã giúp bà Nguyệt nuôi cua đinh nhanh lớn. “Tuy kỹ thuật nuôi ba ba và cua đinh tương tự nhau nhưng con cua đinh cũng từng làm tôi thất bại, có lúc hao hàng trăm con giống.
Sau hơn 1 năm, tôi tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện dần kỹ thuật, tỷ lệ nuôi thành công ngày một cao hơn. Đặc biệt những con cua đinh lớn đẻ trứng, tôi cho nở để nhân đàn và bán cua đinh giống”- bà Nguyệt nói.
Bà Nguyệt cho biết, để cua đinh nuôi đạt kết quả, phải thường xuyên thay nước. Khi cua đinh còn nhỏ thì 3-4 ngày phải cho tắm thuốc để phòng bệnh nấm da, mắt đỏ cho đến khi cua đinh khoảng 2 tháng tuổi thì đưa ra ao nuôi thương phẩm.
Thức ăn cho cua đinh khá đơn giản, gồm ốc, tép, cá. “Nếu nuôi thương phẩm thì chú ý không di chuyển cua nhiều hoặc dời điểm nuôi vì mỗi lần động như thế, cua đinh mất khoảng 3-4 ngày mới ăn lại, sẽ chậm lớn”- bà Nguyệt nói.
Hiện trang trại nuôi cua đinh và ba ba của bà Nguyệt rộng 1,5ha, với hơn 450 con cua đinh và 700 con ba ba bố mẹ cho sinh sản quanh năm.
Trang trại cũng được bà chia thành nhiều khu: khu nuôi thương phẩm, khu sinh sản cho cua đinh và ba ba, khu nuôi dưỡng con giống… Mỗi năm bà Nguyệt cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn ba ba và 2.000 con cua đinh thịt; hơn 200.000 con ba ba và hàng ngàn cua đinh giống.
Song song với nuôi cua đinh và ba ba, bà Nguyệt còn chủ động thành lập Hợp tác xã chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi với 22 xã viên.
Những xã viên tham gia hợp tác xã được bà tư vấn kỹ thuật, đưa ba ba, cua đinh bố mẹ cho nuôi, sau đó trả dần bằng con giống; xã viên nào để các con giống này nuôi thành ba ba, cua đinh thịt, cũng được bà thu mua để đưa ra thị trường.
Bà Nguyệt cho biết sắp tới, bà sẽ xây dựng thương hiệu ba ba, cua đinh cho hợp tác xã, có như thế sẽ thuận lợi trong quá trình mua bán làm ăn, cũng như tạo niềm tin cho khách hàng.
Hôm chúng tôi đến thăm, gặp lúc ông Lê Chí Hầu, ở phường 9, TP sóc Trăng, tỉnh sóc Trăng, đang tham quan trang trại cua đinh, ba ca của bà Nguyệt.
Ông Hầu nói, ông nghe tiếng bà Nguyệt từ lâu và người ta kêu bà là “nữ hoàng” cua đinh quả không sai.
“Bà Nguyệt nuôi cua đinh với kỹ thuật bài bản, lại chỉ dẫn tận tình, rất dễ hiểu. Tôi quyết định mua 200 con cua đinh giống về nuôi, nếu thành công sẽ đến mua giống nuôi tiếp”- ông Hầu nói.
Khăn gói từ Cà Mau lên tham quan trang trại, ông Võ Văn Trọng, ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, cho biết, 10 năm trước ông từng nuôi ba ba nhưng không thành công nên chuyển qua nuôi cá sặc rằn.
Gần đây, sau khi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, biết được bà Nguyệt làm con giống tốt nên đến tham quan học hỏi và mua 4.000 con giống cua đinh, ba ba về thả nuôi.
Với giá trị kinh tế cao lại dễ tiêu thụ nên con cua đinh đang dần khẳng định thế mạnh trong chăn nuôi và giúp nhiều nông dân làm giàu.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, thành công của việc nuôi cua đinh, ba ba không chỉ ở kỹ thuật mà còn chính quá trình tổ chức sản xuất để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm và cách làm của bà Nguyệt là một điển hình.
Đặc biệt gần đây, bà Nguyệt đã tìm cho mình một hướng đi mới là đưa sản phẩm xuất ngoại. Hai đợt với 500kg ba ba chưa phải là nhiều nhưng đó là tiền đề để bà mở rộng sản xuất đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Còn với gia đình bà Nguyệt, từ cảnh nợ nần đến nay nhờ con ba ba, đặc biệt là cua đinh mà đã trở nên khá giả. Do đó, khi bán con giống, bà thường tận tình tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, đồng thời thu mua lại sản phẩm thịt hoặc cả con giống nếu hộ nuôi cho đẻ và ấp nở thành công.