Hà GiangDù còn khó khăn, nhiều trường tại Hoàng Su Phì nỗ lực vận động phụ huynh cho con đến trường, tăng tỷ lệ học sinh trong năm học mới.
Hà Giang là một trong 10 tỉnh nghèo nhất cả nước. Hoàng Su Phì là một trong những huyện biên giới miền núi khó khăn nhất của tỉnh. Nhiều trường tại Hoàng Su Phì như trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiến Phố, Tiểu học Chiến Phố, THCS Hồ Thầu, Tiểu học Hồ Thầu, THCS Tân Tiến, THCS Nam Sơn gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy như trường xuống cấp, thiếu phòng học, chưa trang bị đủ sách giáo khoa…
Đây là những trường nằm trong xã thuộc chương trình 135 (chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Tuy còn thiếu thốn về nhiều mặt nhưng đội ngũ giáo viên không ngừng động viên phụ huynh cho con em học chữ, cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học. Sự hỗ trợ của nhà nước, tỉnh Hà Giang, cùng nhiều đơn vị xã hội góp phần giúp các em được đón niềm vui đến trường, mở mang tri thức. Trong năm học này, số học sinh tại các trường tiểu học, trung học tại Hoàng Su Phì có tăng, tỷ lệ bỏ học qua các năm giảm. Nhiều học sinh vươn lên vượt khó, học tốt.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiến Phố trong năm học 2020-2021 có 285 học sinh đồng bào dân tộc Mông, Nùng, La Chí. Trong đó, có 155 em thuộc hộ nghèo, còn lại đa phần là cận nghèo, trung bình. Để các em được đến trường, nhiều năm qua, giáo viên thường xuyên đến các gia đình chia sẻ lợi ích của việc học tập cho tương lai của con em. Nhờ đó, số lượng phụ huynh cho con đi học ngày càng tăng.
Đón nhận niềm vui trong năm học mới là nhiều em được đi học nhưng giáo viên có thêm nỗi lo lắng khác. Theo thầy Đỗ Hữu Vịnh (Hiệu trưởng Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiến Phố), trường được xây dựng từ năm 1999, đến nay đã xuống cấp, khu nhà 2 tầng bị hư hỏng, mưa dột ảnh hưởng đến việc dạy và học. Trong năm học mới, chỉ khoảng 50% học sinh có sách giáo khoa, giáo viên phải sắp xếp các em ngồi xen kẽ nhau để có thể cùng xem sách.
Thầy Đỗ Hữu Vịnh cho biết thêm, đời sống của nhiều gia đình tại Hoàng Su Phì phụ thuộc vào những vụ lúa, ngô, khoai, công việc làm thuê mướn. Ngoài giờ học, các em phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, chăn nuôi gia súc… Dù khó khăn nhưng không ít học sinh phấn đấu vượt khó, học tốt. Như em Lù Thị Bình (lớp 8) giúp bố mẹ cắt cỏ, trong một lần không may bị cắt đứt vào tay, chỉ còn lại hai ngón tay. Bị tai nạn khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng em vẫn nỗ lực học tập để không thua sút bạn bè.
Hay em Đặng Thị Thu Hằng (lớp 9, trường THCS Hồ Thầu) có gia cảnh khó khăn, là một trong số 35 học sinh thuộc diện nghèo của trường THCS Hồ Thầu. Nhiều năm qua, Thu Hằng luôn phấn đấu học tập, đạt thành tích cao tại lớp, trở thành học sinh giỏi tiêu biểu của trường.
Theo thầy Dương Văn Thưởng (Hiệu trưởng trường THCS Hồ Thầu), trong năm học này, trường có 145 học sinh, trong đó, hơn 90% là học sinh dân tộc Dao, Nùng, Mông. Các bạn còn lại chủ yếu thuộc hộ cận nghèo. Vào đầu năm mới, các em rất hào hứng đến lớp, dù có em phải thức dậy từ 5h đi bộ khoảng hơn 5 km.
Cũng giống như THCS Hồ Thầu, trường Tiểu học Hồ Thầu cũng đón niềm vui trong năm học mới khi có đến 238 học sinh đồng bào dân tộc (Dao, Nùng, Mông) trong độ tuổi đi học được đến trường. Đời sống của người dân tại xã Hồ Thầu ngày càng cải thiện, ý thức được nâng lên nên cha mẹ cố gắng cho con em học chữ. Nhiều học sinh chăm chỉ đến trường học tập để mở mang tri thức. Bởi theo các em, phải biết chữ mới mong thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Cô Nguyễn Thị Liên (Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồ Thầu) cho biết, trường có nhiều học sinh trong năm học mới nên hiện chưa đủ phòng học. Một lớp phải tận dụng phòng của giáo viên chỉ 20 mét vuông để giảng dạy. Thư viện còn ít các đầu sách, truyện cho học sinh tham khảo, giải trí. Bếp ăn của trường đã xuống cấp qua nhiều năm sử dụng, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh. Cô mong nhà bếp có thể cải thiện để giáo viên phần nào nhẹ gánh, các em yên vui học tập.
Cơ sở vật chất chưa đảm bảo cũng là một trong những vấn đề lo lắng của trường THCS Nam Sơn. Thầy Hoàng Khánh Minh (Phó hiệu trưởng THCS Nam Sơn) cho biết một số học sinh do nhà xa trường nên phải đi học từ lúc 5h. Một số em cũng mong muốn được ở lại trường để tiện việc học nhưng phải phụ giúp cha mẹ sau giờ tan trường. Hơn nữa, chỗ ở tại trường cũng chưa đủ cho tất cả học sinh. Một số phòng nhà ở bán trú chỉ khoảng 20 mét vuông, có đến 10 học sinh cùng học tập, sinh hoạt.
Còn với Trường THCS Tân Tiến, nhiều phụ huynh có kinh tế eo hẹp nên khoảng 50% trong số 245 học sinh chưa trang bị đủ sách giáo khoa cho các em. Các em mượn từ các học sinh năm trước học xem cùng các bạn. Thầy Nguyễn Hồng Lương (Hiệu trưởng trường THCS Tân Tiến) mong có đủ sách giáo khoa cho các em, các tiết học sẽ sinh động hơn với sự trợ giúp của các thiết bị như tivi, dụng cụ thí nghiệm…
“Một trong những vấn đề trường quan tâm trong đầu năm học là sách giáo khoa. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của chương trình ‘HURA sẻ chia yêu thương – tiếp sức đến trường’ do Công ty Cổ phần Bibica tổ chức nên các em sẽ có đủ sách để học tập”, thầy Hồng Lương nói thêm.
Chương trình sẽ tiếp tục đến các trường tại huyện Hoàng Su Phì tại Hà Giang trao tặng gần 600 bộ sách giáo khoa, 4.200 bữa ăn xế, 60 chiếc xe đạp. Để chung tay tặng sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, độc giả có thể tham gia cuộc thi “Cả nhà cùng vẽ ước mơ” do Ngoisao.net và Công ty Cổ phần Bibica tổ chức.
Mỗi bài dự thi, mỗi ước mơ được gửi trao là độc giả đã đóng góp một bộ sách giáo khoa tặng học sinh tiểu học hoặc trung học cơ sở có hoàn cảnh khó khăn tại một số tỉnh như Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Giang, Đắk Nông. Tham gia cuộc thi tại đây.
Kim Uyên