Tin học và công nghệ là môn bắt buộc từ tiểu học
Về công nghệ và kỹ thuật, cấp tiểu học có môn tin học và công nghệ; cấp THCS và THPT là môn tin học và công nghệ. Môn toán được giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình mới, các môn như toán, khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học đều được nhấn mạnh định hướng đến giáo dục STEM.
Chẳng hạn, chương trình môn toán khẳng định “Giáo dục toán học tạo lập sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với thực tiễn, giữa toán học với các môn học và hoạt động giáo dục khác, đặc biệt với các môn khoa học, khoa học tự nhiên, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học để thực hiện giáo dục STEM”.
Mặt khác, ở chương trình mới, vai trò, vị trí của giáo dục công nghệ và giáo dục tin học được nâng cao rõ rệt. Tin học và công nghệ là môn học bắt buộc cấp tiểu học và THCS, trong khi chương trình hiện hành là môn tự chọn.
Nâng cao nhiều kỹ năng cần thiết cho học sinh
Giáo dục STEM tích hợp nhiều phương pháp khác nhau như: dạy học theo dự án, dạy học theo nhóm, dạy học phân hóa, thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm, chú trọng đến học qua hành (learning by doing), giáo viên đóng vai trò người hướng dẫn.
Còn quá nhiều khó khăn
Tuy nhiên, triển khai giáo dục STEM vẫn còn những khó khăn rất lớn, đòi hỏi phải vượt qua.
Do chưa “chương trình hóa” giáo dục STEM nên giáo viên rất khó khăn trong việc tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho vừa đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông, vừa vận dụng được giáo dục STEM.
Cách kiểm tra, đánh giá hiện nay còn là rào cản trong giáo dục STEM. Việc kiểm tra, đánh giá hiện nay ở trường phổ thông được tổ chức theo hình thức làm bài thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức, kỹ năng, trong khi kiểm tra, đánh giá theo mô hình giáo dục STEM là thông qua sản phẩm, đánh giá quá trình. Vì vậy, nếu không đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực thì đó sẽ là rào cản lớn nhất của việc triển khai giáo dục STEM.
Quan trọng nhất là điều kiện cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra khi triển khai giáo dục STEM. Sĩ số mỗi lớp học ở một số tỉnh, thành phố quá đông cũng gây khó khăn cho tổ chức hoạt động, cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Không có phòng học STEM hoặc phòng thực hành để học sinh có nơi làm việc nhóm, nghiên cứu, thí nghiệm cũng là một khó khăn. Ngoài ra, với các nội dung học tập chuyên sâu hơn như khoa học máy tính, robotic, lập trình thì cần đầu tư kinh phí lớn hơn.
Giáo dục STEM không phải là ‘chìa khóa vạn năng’ Mô hình giáo dục STEM có nhiều điểm mạnh. Tuy nhiên, đây không phải là “chìa khóa vạn năng” và hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Chẳng hạn, mục tiêu giáo dục học sinh biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại đặt ra ở chương trình mới thì giáo dục STEM khó đạt được, mà phải nhờ vào dạy học của các môn khoa học xã hội – nhân văn và các hoạt động giáo dục.
|