Mức thu nhập hằng năm sau khi trừ mọi chi phí của các hộ trồng hoa ở Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) ít cũng 300 triệu, hộ nhiều lên tới cả vài tỷ đồng.
Hiện nay diện tích đất trồng hoa tại địa phương đã đạt gần 200 hecta
Xem Video: Nông dân Hoàng Lương “đổi đời” nhờ trồng rau cần
XEM VIDEO CLIP: XvhK33a5i9U
Những nông dân đổi đời nhờ trồng hoa
Đến Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) những ngày cuối tháng 5, dù không phải là mùa hoa chính nhưng không khí mua bán ở đây diễn ra sôi động, nhộn nhịp. Ngay từ đầu làng, hàng đoàn xe tải với các biển số từ: Lạng Sơn, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… nối đuôi nhau chờ đánh hàng.
Dọc theo hai bên đường, các nhà vườn tấp nập bê cây, vận chuyển hàng, đón tiếp các thương lái. Khác với các làng nghề khác, hoa, cây cảnh ở Xuân Quan được người dân trồng trong các nhà kính hay trong các chậu đặt dưới đất, treo trong giỏ xếp thành nhiều tầng, lớp san sát.
Theo các chủ vườn hoa, nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi phương pháp canh tác mà quanh năm ở Xuân Quan đều có hoa, cây cảnh cung cấp ra thị trường, đặc biệt nhiều loại hoa khó tính như hồng nhập ngoại, hoa giấy ngũ sắc… đều cho chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Từ một xã nghèo của huyện Văn Giang, 5 năm trở lại đây Xuân Quan đã “thay da đổi thịt”, nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát, đường xá, trường học được xây dựng khang trang. Không ít hộ dân thoát nghèo, đời sống khá giả. Ô tô sang ngập đường làng, nhiều gia đình thậm chí đầu tư mua xe chỉ để đi thăm vườn hàng ngày.
Nhiều hộ dân “đổi đời” nhờ nghề trồng hoa tại Xuân Quan
Vừa tất bật đón tiếp các thương lái đến đặt hàng hoa, ông Nguyễn Văn Thơm (chủ vườn hoa Thơm Dung, thôn 3, Xuân Quan, Hưng Yên) cho hay, gia đình ông có hơn 1 mẫu đất trồng hoa, trong đó 7 sào đất được đầu tư trồng trong nhà màn. Vườn hoa của gia đình ông Thơm chủ yếu trồng hoa thảm, dừa màu, dừa thái… cung cấp ra thị trường từ 2-3 vạn cây mỗi tháng, cao điểm vào tháng Tết từ 5-7 vạn hoa/ tháng, chưa kể các loại cây cảnh khác.
Mỗi năm doanh thu từ nghề trồng hoa của gia đình ông Thơm đạt trên 1 tỷ đồng
Ông Thơm nhẩm tính, mỗi năm vườn hoa cho doanh thu khoảng trên 1 tỷ đồng. “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, quanh năm tất bật, vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, cuộc sống khó khăn. Từ năm 2010, tôi quyết định chuyển đổi canh tác sang trồng hoa, nhà tôi không phải vận chuyển hoa đi các chợ để bán mà thương lái đổ về tận vườn đánh số lượng lớn. Thu nhập nhờ thế cũng cao hơn gấp nhiều lần so với việc trồng lúa, hoa màu, cuộc sống ổn định hơn rất nhiều”, ông Thơm nói.
Cuộc sống của gia đình ông Lê Ngọc Thịnh (Xuân Quan, Hưng Yên) cũng thay đổi đáng kể từ khi chuyển đổi canh tác.
Ông Thịnh là chủ của 4 vườn phong lan đủ loại, chuyên cung ứng đi các thị trường như: Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nghệ An… với doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi tháng, một năm đạt trên 1 tỷ đồng. Từ việc “phải chạy ăn từng bữa”, làm thuê đủ nghề, gia đình ông đã mua được ô tô, cuộc sống trở nên khá giả.
Ông Lê Ngọc Thịnh hiện chủ của 4 vườn lan ở Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên)
“Gia đình tôi áp dụng khoa học kỹ thuật nên việc chăm sóc, trồng lan không quá vất vả. Vài năm trở lại đây hoa Xuân Quan cũng có thương hiệu, thêm vào đó đường xá, giao thông lại thuận tiện nên việc giao thương, buôn bán thuận lợi hơn rất nhiều. Cuộc sống của bà con Xuân Quan ai cũng được “đổi đời”, anh Thịnh nói.
Thu nhập 300 đến vài tỷ mỗi năm nhờ trồng hoa
Chia sẻ với PV, ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết, hiện nay diện tích đất trồng hoa tại địa phương đã đạt gần 200 hecta, ngoài ra người dân còn thuê thêm đất trồng hoa ở các vùng lân cận để canh tác.
Ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho hay, nghề trồng hoa đã giúp cuộc sống của người dân nơi đây “đổi đời”
So với việc trồng lúa, hoa màu, thu nhập từ trồng hoa gấp cả 20-50 lần. Trung bình 1 hecta trồng hoa, cây cảnh mang lại doanh thu cho người dân từ 1,2-1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Thu nhập bình quân đầu người ở Xuân Quan so với các xã lân cận cũng rất cao từ 65 triệu đồng/ người/ năm. Mức thu nhập hằng năm sau khi trừ mọi chi phí của các hộ trồng hoa hộ ít cũng 300 triệu, hộ nhiều lên tới cả vài tỷ đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo ở Xuân Quan giảm, còn trên 1%, cả 3 cấp học, học sinh đều được học trong nhà cao tầng với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ.
“Trước đây Xuân Quan là một xã nghèo của huyện Văn Giang với tỷ lệ hộ nghèo trên 2%, các trường học chủ yếu vẫn là nhà cấp 4, đường xá, giao thông còn khó khăn.
Người dân chủ yếu trồng hoa màu, lúa với sản lượng thu hoạch thấp trung bình 1 hecta chỉ từ 50-100 triệu đồng… Sau khi ban giao đất để triển khai dự án Khu đô thị Thương Mại, Du lịch Văn Giang và đường giao thôn liên tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, bà con trong xã được CĐT dự án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Trung bình 1 hecta trồng hoa, cây cảnh mang lại doanh thu cho người dân nơi đây từ 1,2-1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Cuộc sống của người dân Xuân Quan thay da đổi thịt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn trên 1%, cả 3 cấp học, học sinh đều được học trong nhà cao tầng với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ; giao thông, thủy lợi kiên cố. Người dân cũng đóng góp kinh phí làm đường bê tông ra đồng phục vụ việc phát triển kinh tế của địa phương, bộ mặt của xã thay đổi đáng kể”, ông Đôn khẳng định.
Nghề trồng hoa không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động các xã lân cận.
Theo ông Đôn, nghề trồng hoa không chỉ mang lại diện mạo mới cho người dân xã Xuân Quan, mà còn thu hút, tạo công ăn việc làm cho lao động đến từ các nơi khác. Hiện tại Xuân Quan có khoảng hơn 1 nghìn lao động đến từ các tỉnh thành lân cận, với mức thu nhập trung bình dành cho lao động phổ thông đạt từ 5- 7 triệu đồng/ tháng.
Hàng năm, người dân ở Xuân Quan đều được tham gia các khóa đào tạo, mời các chuyên gia giỏi, dày dặn kinh nghiệm về tập huấn, chia sẻ cho bà con nông dân công nghệ lấy giống, ươm trồng đạt năng suất, hiệu quả cao.
Các hộ dân còn được tham quan các làng nghề trồng hoa nổi tiếng, áp dụng khoa học, kỹ thuật để có thêm kiến thức. Thậm chí nông dân Xuân Quan còn thường xuyên tổ chức các chuyến “xuất ngoại” ra các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… để tìm hiểu thị hiếu, nắm bắt các xu hướng, giống cây mới về ứng dụng sản xuất cho thị trường Việt Nam.
Dù là làng hoa “sinh sau đẻ muộn” song hoa Xuân Quan đã khẳng định được thương hiệu, trở thành thủ phủ hoa nổi tiếng.
Giao thông kết nối thuận tiện vào trung tâm Hà Nội là yếu tố quan trọng giúp Xuân Quan có điều kiện phát triển, bứt phá
Chính nhờ sự nhanh nhạy, đổi mới tư duy, nên dù là làng hoa đi sau nhưng Xuân Quan đã sớm vươn lên trở thành thủ phủ hoa lớn, sánh ngang với các làng hoa nổi tiếng ở Hà Nội.
Ngày nay, hoa, cây cảnh ở Xuân Quan đã có mặt tại khắp các tỉnh thành trên cả nước và ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình. Có thể nói việc chuyển đổi cây trồng đã mở ra hướng đi mới, phát triển bền vững và mang đến hiệu quả rõ rệt cho người dân Xuân Quan.