Chỉ còn hơn một tuần nữa, thí sinh cả nước sẽ khai hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, đồng thời với đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thời điểm này, nhiều băn khoăn của học sinh về lựa chọn ngành nghề phù hợp đã được gửi đến các chuyên gia của chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên thực hiện.
Nên chọn bài thi tổ hợp nào ?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp. Bài thi khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần lý, hóa, sinh) và bài thi khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; sử, địa với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Riêng bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
“Tuy nhiên, thí sinh lưu ý không nên chọn tổ hợp dễ điểm cao mà cần chọn bài thi đã có sự đầu tư trong 3 năm học trước đó để xét tuyển được ngành học yêu thích. Bởi khi các trường xây dựng tổ hợp xét tuyển ngoài thực hiện quy chế còn xây dựng nền tảng kiến thức mà thí sinh sẽ học và làm việc sau này”, thạc sĩ Cao Quảng Tư nhấn mạnh.
Nộp hồ sơ xét tuyển ra sao ?
“Có thể nói cách thức đăng ký dự thi và xét tuyển năm nay không khác biệt so với các năm trước. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, các điểm thu nhận hồ sơ sẽ nhập thông tin đăng ký dự thi THPT và đăng ký xét tuyển ĐH của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Bộ. Các thí sinh sẽ được hướng dẫn sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập và kiểm tra thông tin cá nhân, sau là để thực hiện điều chỉnh đăng ký xét tuyển trực tuyến”, tiến sĩ Thu thông tin.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư lưu ý một số trục trặc thí sinh thường gặp khi đăng ký dự thi. Thí sinh cần lưu ý các chi tiết như số điện thoại, địa chỉ email và địa chỉ nhà để liên hệ trong suốt quá trình thi và xét tuyển. Khi làm hồ sơ không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng vào ngành nghề khác nhau. Việc sắp xếp nguyện vọng cần phù hợp năng lực nhưng quan trọng là chọn được ngành thực sự yêu thích.
“Tuy nhiên, thí sinh lưu ý nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường CĐ thay vì tại các điểm thu nhận theo quy định của Bộ GD-ĐT khi xét tuyển ĐH. Riêng với ngành giáo dục mầm non bậc CĐ, việc tuyển sinh sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và thí sinh cần đạt ngưỡng đảm bảo đầu vào theo quy định”, thạc sĩ Đường Anh Tân lưu ý thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức, cho biết trường xét tuyển theo 5 phương thức, trong đó năm nay bổ sung phương thức xét tuyển học bạ. Thí sinh lưu ý khi xét tuyển vào trường cần đạt trình độ tiếng Anh theo quy định để học tập tại trường. Nhưng khi trúng tuyển, bên cạnh tiếng Anh, sinh viên còn được đào tạo tiếng Đức để tăng khả năng cạnh tranh khi ra trường, nếu thí sinh có chứng chỉ B1 tiếng Đức thì được miễn việc học ngoại ngữ này.
Học ngành nào ra trường có việc ngay ? Liên quan đến lựa chọn ngành nghề, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân hỏi: “Em rất thích kinh tế nhưng ba mẹ lại không đồng ý vì ba mẹ nói kinh tế đang có rất nhiều người học, 4 năm nữa ra trường thì rất khó kiếm việc làm, dễ thất nghiệp. Vậy quan niệm này đúng hay sai?”. Thầy Võ Ngọc Nhơn cho rằng: “Lo lắng này cũng có cơ sở nhưng cần xem xét trên nhiều bình diện. Với sự phát triển của kinh tế Việt Nam như hiện nay, một người học nghiêm túc với đầy đủ kỹ năng và kiến thức sẽ không cần lo lắng đến việc làm”. Cũng theo thầy Nhơn, việc lựa chọn sai ngành gây ra hậu quả rất lớn có thể phải bỏ học giữa chừng, dẫn đến mất thời gian, tốn kém tiền bạc. Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng cần tỉnh táo trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai cho con mình.
|