Nhìn ngôi nhà theo cách nhìn của con, để tổ ấm là nơi an toàn nhất | Giáo dục

Nhìn ngôi nhà theo cách nhìn của trẻ

Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm trung bình nước ta có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Nhiều tai nạn xảy ra ngay tại nhà, phần nhiều do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn.

Sự chủ quan này có thể đến từ khác biệt trong cách nhìn của người lớn và trẻ em. Trẻ nhỏ thường chưa nhận thức đầy đủ như người lớn về các mối nguy hiểm từ những vật dụng trong nhà và xem chúng là những “đồ chơi” trong hành trình “khám phá” thế giới xung quanh – đây chính là “công việc toàn thời gian” của trẻ, giúp trẻ học được nhiều điều bổ ích.

Ngoài ra, trẻ có thể trạng thấp bé hơn người lớn nên nhiều vật dụng tuy ít nguy hiểm với người lớn lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ. Những đồ vật đặt trên cao như ấm đun nước, bát canh nóng… mặc dù trong tầm với nhưng thường khuất tầm mắt trẻ, gây nguy hiểm. Trẻ cũng hay bò hoặc ngồi chơi trên sàn, nên các ổ cắm, dây điện, bàn là… trên sàn cũng dễ dàng gây bỏng, giật cho trẻ.



Video “Ngôi nhà an toàn cho trẻ” của Chương trình giáo dục cộng đồng “Sinh con, Sinh cha” do Generali và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện

Một số lưu ý an toàn quan trọng

Hãy đảm bảo luôn có người lớn giám sát trẻ, ngay cả khi trẻ chơi trong nhà. Thật khó để giám sát con cái 24 giờ/ngày, vậy nên, “Sinh con, Sinh cha” gợi ý cha mẹ hãy nhìn ngôi nhà theo cách nhìn của trẻ để hình dung trẻ có thể tiếp cận và ‘chơi’ với những đồ vật này ra sao, và chúng có thể gây nguy hiểm như thế nào, từ đó có các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ và bắt đầu giải thích, hướng dẫn cho trẻ càng sớm càng tốt.

Tai nạn về điện

Hãy thiết kế dây điện âm tường. Che các ổ điện, buộc gọn dây, và cất các thiết bị dùng điện khỏi tầm với của trẻ.


Che chắn các ổ điện, buộc gọn dây điện

Che chắn các ổ điện, buộc gọn dây điện

Đồ vật sắc nhọn

Để dao, kéo tránh xa tầm với trẻ em. Bao bọc các đầu mút sắc nhọn của các đồ vật, dụng cụ trong nhà như cạnh bàn, ghế, tủ… Không cho trẻ chơi đồ chơi sắc nhọn.


Cất đồ vật sắc nhọn vào nơi an toàn

Cất đồ vật sắc nhọn vào nơi an toàn

Nguy cơ bỏng

Giải thích cho trẻ các nguy cơ gây bỏng trong bếp và tập cho trẻ thói quen không vào bếp khi không có sự giám sát của người lớn. Luôn để các cán tay cầm của vật dụng nấu bếp vào phía bên trong. Đảm bảo đồ ăn nóng không để gần trẻ hay có nguy cơ đổ, vãi.

Lưu ý nước nóng từ vòi sen có thể gây bỏng. Nếu nhà có bình nước nóng lạnh, hãy mua loại có khóa van nước nóng.


Giữ vật dụng dễ gây bỏng nằm ngoài tầm với của trẻ

Giữ vật dụng dễ gây bỏng nằm ngoài tầm với của trẻ

Nguy cơ ngộ độc, hóc dị vật

Các hóa chất độc hại, thuốc men, các vật nhỏ dễ hóc nghẹn cần được cất kín trong tủ để trẻ không mở, lấy được. Các loại tủ, ngăn kéo cần có then cài an toàn cho trẻ.

Đồ chơi của trẻ cần đảm bảo an toàn về chất liệu, thiết kế, phù hợp với lứa tuổi, không có khả năng bị hỏng các bộ phận nhỏ. Không cho trẻ ăn kẹo cứng, hạt đậu cứng, trái cây có hạt lớn… dễ làm trẻ sặc, hóc.

Nguy cơ té ngã

Cần làm khung, hàng rào chắn phù hợp cho tất cả cửa sổ, ban công. Lắp cổng an toàn ở cả dưới và trên cùng của cầu thang. Đảm bảo bậc thềm, cầu thang đủ ánh sáng, dễ đi. Các loại tủ, ngăn kéo cần có then cài an toàn và được gia cố để tránh đổ, ngã gây nguy hiểm cho trẻ.

Mặt sàn nhà tắm luôn rất trơn trượt, đặc biệt nguy hiểm khi bạn sử dụng sữa tắm, xà phòng, nước. Đừng để trẻ nhỏ chạy nhảy trong nhà tắm hoặc ở trong nhà tắm một mình.

Chống ngạt

Khi ngủ, hãy đảm bảo môi trường thoáng khí, không có khói thuốc, và giường của trẻ không có nhiều thú nhồi bông, chăn màn dễ gây ngạt thở. Giữ các loại dây như dây thừng, dây chỉ ngoài tầm với của trẻ. Chú ý đến rèm cửa có dây.

Phòng đuối nước

Đảm bảo giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn; không để trẻ dưới 6 tuổi một mình trong nhà tắm. Đôi khi, chỉ cần một thau nước cũng có thể cướp đi sinh mạng của trẻ.

Cha mẹ nên tập lối sống gọn gàng, ngăn nắp, điều này giúp cha mẹ xây dựng không gian sống an toàn cho trẻ, đồng thời là tấm gương tốt để trẻ noi theo, tự bảo vệ mình.

Hãy vừa chơi vừa giải thích, hướng dẫn trẻ về sự an toàn; lặp đi lặp lại để giúp trẻ hiểu và nhớ. Trẻ từ 0-6 tuổi đang trong giai đoạn “thấm hút” nên có khả năng học hỏi, tiếp thu rất tốt. Phụ huynh cũng nên tham gia các khóa huấn luyện để có thể kịp thời sơ cứu trẻ khi trẻ gặp tai nạn tại nhà.




Nguồn bài viết

Bài trướcXuất khẩu cá ngừ sang EU tăng đột biến
Bài tiếp theoHàng loạt dòng xe của các hãng Toyota, KIA, Mitsubishi vội vàng giảm giá hậu ‘cô hồn’