HomeCông nghệNhân viên Google không muốn quay lại văn phòng

Nhân viên Google không muốn quay lại văn phòng

Đa số nhân viên của Google muốn quay lại văn phòng làm việc sau đại dịch, nhưng không phải toàn thời gian như trước, mà muốn đi làm xen kẽ.

60% nhân viên của Google mong trở lại văn phòng vào “một lúc nào đó” nhưng không muốn làm toàn thời gian. 15% nói không muốn đến văn phòng nữa. 15% khác khẳng định chỉ muốn tới vào những sự kiện đặc biệt. Kết quả khảo sát khiến Google phải cân nhắc các lựa chọn làm việc cho nhân viên.

“Công ty đang xem xét đến các mô hình ‘lai’ nhằm sắp xếp văn phòng và tìm ra lựa chọn tốt nhất”, CEO Sundar Pichai nói với tạp chí Time hôm 23/9. Ông cho rằng trong tương lai, cơ chế làm việc tại văn phòng của nhân viên sẽ linh hoạt. Tuy nhiên, ông tin rằng việc giao tiếp truyền thống sẽ giúp gắn kết nhân viên tốt hơn và cũng quan trọng hơn khi tập thể cùng nhau giải quyết các vấn đề phức tạp hay cùng hội ý để làm ra những điều mới mẻ.

Google đã chi hàng tỷ USD để xây dựng những văn phòng làm việc lý tưởng cho nhân viên nhưng sau đại dịch, nhiều người không muốn quay lại nơi làm việc như cũ. Ảnh: Google.

Google đã chi hàng tỷ USD để xây dựng các văn phòng làm việc lý tưởng cho nhân viên. Ảnh: Google.

Những công ty lớn như Google, Facebook, Apple được coi là hình mẫu ở Thung lũng Silicon. Vì vậy kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng và cạnh tranh thu hút nhân tài với các công ty công nghệ khác luôn được quan tâm. Trong thông báo gần nhất, Google nói sẽ cho nhân viên tuỳ chọn việc làm ở nhà đến tháng 7/2021. Thông báo được đưa ra cùng thời điểm Facebook, Twitter cân nhắc cho một phần nhân viên làm việc từ xa “mãi mãi”.

Từ chối quay lại văn phòng đồng nghĩa với việc các kỹ sư phải từ bỏ một số quyền lợi. Ở Google, nhân viên làm việc tại văn phòng sẽ được cung cấp đồ ăn miễn phí và có đầu bếp riêng. Một số công ty công nghệ nói sẽ cắt giảm lương kỹ sư làm việc từ xa.

Khảo sát của Google cũng cho thấy, lý do nhân viên muốn quay lại văn phòng xuất phát từ mong muốn được gặp gỡ đồng nghiệp, tăng khả năng giao tiếp xã hội và tìm kiếm cơ hội hợp tác tốt hơn. “Điều này khiến tôi luôn tự hỏi về một môi trường làm việc mới phù hợp hơn cho nhân viên. Nhiều người vẫn phải di chuyển hai tiếng đồng hồ để đến văn phòng và không có kế hoạch nào đó cho gia đình, bạn bè vào cuối tuần”, CEO Pichai nói.

Google cũng như nhiều công ty công nghệ khác ở Thung lũng Silicon từ lâu đã nhận thấy tầm quan trọng của văn phòng làm việc. Họ chi hàng tỷ USD để xây những trụ sở hiện đại nhằm giữ chân nhân viên ở lại công ty càng lâu càng tốt. Các chuyên gia công nghệ đánh giá, việc các kỹ sư cùng nhau tập trung trong một không gian không chỉ giải quyết nhanh hơn các vấn đề mà còn giúp họ tìm ra nhiều ý tưởng mới, tạo nên bản sắc ở Thung lũng Silicon.

Tuy nhiên khi Covid-19 bùng phát, các công ty công nghệ bắt đầu cho nhân viên làm việc từ xa. Ban đầu các kỹ sư công nghệ tỏ ra khá bối rối với quyết định này. Nhưng lâu dần, họ hào hứng với việc làm việc trực tuyến, không phải đến văn phòng. Nhiều người thậm chí chấp nhận mức lương thấp hơn để được làm từ xa. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là chi phí sinh hoạt ở những nơi như Thung lũng Silicon ngày càng đắt đỏ, trong khi chi phí ở các vùng ven lại rẻ hơn rất nhiều.

Khương Nha (theo CNBC)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img